thienthanwetla
member
ID 44589
08/13/2008
|
Điều Thiết Yếu Khi Niệm Phật
Pháp môn niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ nguyên là việc trọng đại liễu sanh thoát tử nên nói niệm Phật liễu sanh tử. Nay kẻ phát tâm vì muốn liễu sanh tử do đó mà niệm Phật.
Song nếu không biết gốc của sanh tử ở đâu thì tâm niệm hướng vào đâu mà tu? Nếu cái tâm dùng niệm Phật, không thể chặt phăng được gốc rễ sanh tử thì làm sao giải thoát tử sanh? Đâu là gốc sanh tử?
Cổ nhân dạy:
“ Nghiệp không nặng không phải sanh ở Ta Bà
Lòng yêu không dứt, không sanh Tịnh Độ được”
(Nghiệp bất trọng bất sanh Ta Bà
Ái bất đoạn bất sanh Tịnh Độ)
Nên biết được ái dục là gốc rễ của sanh tử. Chúng sanh chịu khổ trong vòng luân hồi đều là do lòng ái dục mà ra. Truy cho cùng gốc ái dục thì nào phải chỉ mới có trong đời này, hay đã có từ 2, 3, 4 kiếp trước đâu. Nó đã có từ vô thỉ kiếp, khi sanh tử mới bắt đầu vậy. Đời đời kiếp kiếp, bỏ thân này sanh thân kia, đều do ái dục làm cho luân chuyển. Chỉ đến ngày nay, thử hỏi mình đã có một mảy may ý nghĩ tạm rời cái gốc rễ ái dục này chưa? Bởi cái hột giống, cái gốc rễ ái dục quá sâu dầy, nên sanh tử cứ vô cùng vô tận.
Nay phát tâm niệm Phật, chỉ đem lòng cầu sanh Tây Phương song le lại chẳng biết gốc sanh tử, tức là ái dục, do đó chưa từng có ý cắt đứt nó. Nếu không biết gốc rễ sanh tử, mà cứ một mặt niệm Phật thì cái gốc rễ sanh tử vẫn lớn mạnh. Như vậy thì niệm Phật và đoạn sanh tử chẳng hề dính dấp gì nhau! Thôi mặc các vị muốn niệm Phật làm sao thì niệm. Chỉ biết khi hấp hối gần chết, gốc rễ ái dục chình ình trước mắt! Lúc đó mới biết Phật chẳng giúp được. Sanh tâm oán hận rằng niệm Phật không linh nghiệm hối hận thì quá trễ rồi.
Cho nên tôi khuyên các vị niệm Phật, trước hết phải thấu rõ ái dục là gốc sanh tử. Nay niệm Phật cần mỗi niệm mỗi niệm đoạn trừ gốc rễ ái dục đó đi. Như ở nhà hằng ngày niệm Phật những chuyện mình mắt thấy tai nghe như con cái, cháu chắt, gia duyên, tài sản, công việc, làm ăn v.v…không có gì không là ái dục cả. Không có chuyện gì, không có ý nghĩ gì không là mầm móng sanh tử cả. Như thử toàn thân này chìm trong hầm lửa (ái dục) vậy. Mình chẳng ngờ rằng chính lúc niệm Phật, tâm mình chưa hề buông bỏ gốc rễ này đâu. Chính lúc niệm Phật mình chỉ lo niệm không khẩn thiết, chớ không biết rằng ái dục vẫn ngự trị lòng mình. Cho nên đó là niệm Phật ngoài da. Phật càng niệm ái dục càng tăng! Nếu ngay khi đối diện với con cái, công việc…mình có thể xoay ngược tâm lại, nhìn vào lòng mình, coi thử một tiếng niệm Phật này có thể địch lại với niệm ái dục kia chăng? Quả thật có thể chặt phăng niệm ái dục chăng? Nếu không đoạn được ái dục thì làm sao liễu sanh tử đây?
Bởi vì ái dục nhiều đời kiếp ăn sâu thành thói quen, mà mình chỉ mới phát tâm niệm Phật chưa lâu, rồi niệm cũng không khẩn thiết lắm cho nên công phu không có hiệu lực chi mấy. Bây giờ lúc còn sức mà mình không nắm đầu được ái dục, thì lúc hấp hối gần chết, nắm sao đặng nó! Cho nên tôi khuyên các vị niệm Phật rằng: Đầu tiên phải có tâm sanh tử cho khẩn thiết, phải ở nơi gốc của sanh tử mà chặt nó, ngay trong từng niệm từng niệm một. Như vậy thì mỗi niệm mỗi niệm mình đều liễu được sanh tử. Cần gì phải chờ đến ngày 30 tháng chạp mới dứt được sanh tử! Trễ quá đó! Cho nên nói:
Trước mắt mọi chuyện đều là sanh tử.
Trước mắt hiểu thấu, sanh tử là không.
Cứ mỗi niệm hết sức khẩn thiết như vậy, vung đao chặt đứt (gốc ái dục). Dụng tâm như vậy mà không thoát khỏi sanh tử thì chư Phật ắt là nói dối. Cho nên là kẻ tại gia hay xuất gia, cần biết cái tâm sanh tử thì mới đặng giải thoát sanh tử. Ngoài đây ra, còn pháp kỳ diệu nữa chăng?
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
Trang nhat