phovang11
member
ID 77297
02/19/2014
|
ÔNG HAI- ÔNG MỘT
Trời trở bấc lành lạnh. Ngôi sao Hôm lú lên như viên ngọc sáng trên nền trời chiều phương Đông.
Xóm Bàu Nổ im ắng sau giờ cơm chiều, thỉnh thoảng vài tiếng chim trời đập cánh trong lùm nổ giữa bàu.
Cái Xóm Bàu Nổ này chỉ gồm sáu nóc gia, ở vòng quanh phía đông của nửa cái bàu- ở giữa bàu là những lùm cây nổ (loại cây cao chừng hai thước chịu được nước ngập). Còn nửa bên kia bàu là rừng, nhưng cũng đang dần biến thành rẫy. Thời buổi nầy, người ta chạy tứ tán, chỗ nào nghe sống được là mò tới. Một vài năm sau, thấy không xong thì tìm chỗ khác chạy tiếp.
Cơm tối xong, tôi thả qua nhà ông Hai Long, cách khoảng năm chục thước kế bên, nói chuyện chơi, chủ yếu là nghe ổng nói dóc đỡ buồn, thêm nữa cũng có cơ hội gặp Xíu, con gái của ông Hai. Những chuyện ông Hai Long kể, có thật hay không tôi cũng không biết, nhưng nghe cũng vui vui, phần ông Hai khi có thính giả như tôi, thỉnh thoảng hỏi chêm một hai câu, thì ổng khoái lắm, cứ thế kể tới .
Ông Hai Long đang nằm hút thuốc trên chiếc võng trong cái sân có mái che. Thấy tôi qua, ông ngồi dậy :
- A, ngồi chơi cháu, trời hơi lạnh chút nhưng mà lại đỡ muỗi.
Ông vừa nói vừa lại ngồi trên bộ ván gỗ kê trong sân nhà.
- Dạ.
Lát sau, lại có thêm vài người nữa trong xóm lại chơi. Quanh quẩn mấy người trong xóm nhỏ nầy qua lại chơi với nhau. Vui nhất là những đêm có trăng, cả xóm thường tụ tập lại trước sân nhà tôi với cây guitar cũ rích, dây đàn đứt phải nối lại hay lấy dây cước thế vào, thế nhưng vẫn ca hát ì xèo thật vui. Đêm nay không trăng nên chúng tôi chỉ tụ lại đây nghe ông Hai kể chuyện.
Ông Hai quay đầu vào trong nhà :
- Xíu ơi ! Châm nước cho ba .
Có tiếng "dạ" bên trong, rồi chỉ chớp mắt đã thấy cô gái trẻ bưng khay nước ra, như là cô đang chờ sẵn vậy. Xíu đặt khay nước trên bộ ván rồi nhìn tôi chào :
- Anh !
Chỉ một tiếng thôi nhưng những cơn gió bấc lạnh như dạt đi đâu hết !
- Lúc chiều thấy em đi đâu về đó ?
- Em đi ra quán mua đồ .
Vì chúng tôi là hàng xóm thân quen, gặp nhau mỗi ngày, nhiều khi còn làm vần công chung nữa nên chúng tôi nói chuyện rất tự nhiên, không ngại ngùng gì dù là có mặt ông Hai Long.
Xóm Bàu Nổ của chúng tôi cách biệt làng xã bên ngoài khoảng ba, bốn trăm mét bằng một con đường xe bò. Ngoài đó thì nhà cửa khá đông, có nhà máy xay lúa, quán xá, trường học...
Ông Hai quấn điếu thuốc rê chà bá bằng ngón tay cái rồi đưa bọc thuốc qua cho tôi, tôi cũng làm điếu cho ấm cổ thông đàm. Ông Hai phà hơi thuốc rồi hỏi tôi :
- Năm nay cháu tính phát rẫy đâu chưa vậy ?
- Dạ cũng chưa bác !
- Hay là năm nay bác cháu mình vô sâu sâu chút, trong suối Tre làm đi cháu. Vô trỏng mình kiếm chỗ bên suối làm cái sa kiếm cá ăn.
- Dạ được đó bác. Cháu cũng thích vậy nhưng mình cháu thì không dám, hay là bác cháu mình làm chung đi.
- Phải rồi, mình làm chung đi, làm với anh em thích lắm, nghe anh kể chuyện hay ghê à !
Xíu ngồi đó, nói leo vô câu chuyện gìữa tôi và ông Hai một cách ngây thơ tự nhiên. Ông Hai cũng không rầy con, ông biết chúng tôi ở đây như một đại gia đình. Tôi thì muốn cười, ghẹo cô bé một câu nhưng không dám, “vuốt mặt phải nể mũi “ chứ.
- Ừ, phải đó cháu, bác cháu mình vô đó làm chung đi, người nầy có bận thì còn người kia.
- Dạ ! Mà trong đó chắc cá nhiều hả bác, chắc còn thú rừng nữa.
- Ừ, trỏng thì nhiều rồi đó, mình gài bẫy kiếm thịt ăn chơi.
- Không biết còn cọp không bác há, chứ heo rừng thì chắc nhiều rồi. Mà heo rừng thì đâu có sao, phải không bác.
Ông Hai làm ngụm nước trà rồi nói :
- Í, tại cháu chưa biết đó, chứ heo rừng nhiều con cũng ghê lắm ! Cọp gặp nó còn né mà !
- Vậy sao bác !? Cháu tưởng heo rừng thì không ăn thua gì chứ .
- Không phải vậy đâu ! Gặp heo lăn chai ghê lắm đó !
- Heo lăn chai là heo gì vâỵ bác , ngộ há ? - Tôi hỏi lại vì hồi giờ mới nghe cái từ là lạ, ngồ ngộ nầy.
- Chai trong rừng cháu biết rồi phải không, chai của cây dầu đó .
- À ! Thứ chai mình vẫn lượm bán cho ngươì ta mua về trét ghe đó mà.
- Đúng ! Heo lăn chai là thứ heo rừng lâu năm. Mỗi năm nó lăn, cạ mình vào gốc cây dầu rái cho dầu chai đóng lên da nó. Riết rồi da nó cứng như sắt, giáo mác đâm không lủng, khó hạ nó lắm.
- Ghê vậy há bác.
- Chưa đâu, nếu lăn chai mà còn là heo một nữa thì lại càng ghê gớm hơn nhiều.
- Heo một là heo gì nữa vậy bác ?
Ông Hai không trả lời tôi ngay, mà phà một hơi thuốc, rồi lại làm hớp nước trà, như để kích thích lòng tò mò của chúng tôi vậy. Rồi ông Hai không trả lời câu hỏi của tôi mà lại bắt đầu kể chuyện.
- Hồi tao còn trẻ, năm đó mới lên mười bảy. Mà tao to con lắm, tao ăn một lần lít gạo với con gà mái luộc như chơi vậy. Nhà tao thì hồi đó cũng khá giả, ông già cho đi học hành đàng hoàng. Nhưng mà thiệt là tao hổng thích học chữ chút nào, nên giờ mới dốt đó, nhưng mà tối ngày tao chỉ lén ông già đi học võ nghệ từ năm mười bốn tuổi.
Được hơn ba năm thì tao cũng khá rồi, vì phải nói là tao mê nghề võ lắm, luyện tập tối ngày. Tao hay dợt với thằng con ông trưởng buôn Thượng Bahna, nó cũng học nghề chung thầy với tao. Thằng nầy đen thui, mạnh mẽ lắm, tao vậy mà chịu không nổi nó. Nhưng lần lần rồi quen, nhờ vậy mà tao chịu đòn có hạng luôn. Đặc biệt là thằng Bahna lại dạy tao luyện ống quyển. Nó chỉ cho tao lượm trái mã tiền trong rừng,cho tao thêm mấy thứ thuốc hột gì nữa đó, đem ngâm rượu. Rồi thoa rượu đó vô ống quyển, đá ống quyển vô mấy cây cột tre, từ từ rồi khớp vô cột nhà. Nhờ cái thứ thuốc rượu đó mà không biết đau và xương thịt lại cứng như sắt vậy. Thằng Bahna nói thứ thuốc đó chỉ có gia đình nó là Trưởng buôn mới có được và nó dặn tao không được nói cho ai biết. Hai thằng tập riết rồi khớp ống quyển vô cột nhà nghe “kinh kinh” mà không biết đau là gì.
- Hèn chi mà giờ thấy bác cũng còn mạnh dữ !
Ông Hai cười rồi kể tiếp :
- Bữa nọ, có đoàn võ sĩ của Sài Gòn về mở lôi đài, người ta đi xem rần rần, tao cũng rủ thằng bạn Bana trốn nhà đi coi. Nói chung, họ chỉ bày ra đấu để bán vé kiếm ăn, tao coi là biết liền, nhưng có điều, họ cũng có võ sĩ giỏi đứng ra để tiếp bất cứ võ sĩ nào lên thách đấu.
Ngày đầu, có một võ sĩ địa phương lên thách đấu nhưng bị võ sĩ của đoàn đánh bại. Ngày thứ hai cũng vậy, một võ sĩ danh tiếng của tỉnh nhà cũng bại dưới tay Hoàng Hổ, là tên của võ sĩ thủ đài đó.
Tao với thằng Bana xem thì thấy tay đó có một ngọn “ Tảo Địa Cước” rất lợi hại. Nó đánh quyền cước phiá trên cho bên kia chống đỡ rồi xuất kỳ bất ý ra một ngọn “địa cước”, quét giò đối thủ té nhào và rồi bị hắn hạ gục.
Tao coi mà tức máu quá, vì phe mình bị thua hoài. Tao bàn với thằng Bahna, là bữa sau tao lên đấu với nó. Có điều là phải làm sao để thắng đây, vì biết là nó giỏi lắm.
- Tui thấy dễ mà !
- Sao dễ, mấy người kia đâu phải dở mà thua hết thấy không ?
- Mầy không thấy nó chỉ thắng người ta bằng một ngón đó thôi.
- Ừ, biết vậy, nhưng mà làm sao thắng nó nè.
- Thì cái nầy mới sướng đó ! Người ta nói gì đó “Gậy ông gậy bà gì đó “. Cái thằng Bahna nầy làm tao cũng mắc cười với cài giọng lơ lớ, cứng ngắc của nó.
- Gậy ông đập lưng ông .
- Đúng rồi ! Nó đá ống quyển vô người ta để thắng, giờ mình cũng vậy.
- Là sao, tao đâu có luyện cái cú đó như nó.
- Thì bây giờ mình tập. Nó đá vô, mầy chỉ việc lấy ống quyển ra đỡ lại ống quyển nó là nó chết.
Lời thằng Bahna nói như thức tỉnh tao. Trời ơi ! Vậy mà hồi giờ tao cứ nghĩ cái thằng nầy nó ngu lắm chứ !
Vậy là nguyên bữa đó, thằng Bahna đóng vai tên võ sĩ kia, dùng ống quyển phan vào đùi tao để hạ gục. Tao thì để ý, thấy nó phan tới là hơi xoay người, dùng ống quyển mình phan lại, tới khuya thì tụi tao tập đã thuần thục. Hai thằng tao thì ống quyển đều cứng như sắt, đâu biết đau là gì nữa.
Bữa sau, thấy được rồi nên tao với thằng Bahna lại đi tới lôi đài và ghi tên thách đấu với võ sĩ Hoàng Hổ.
Lúc lên đài, Hoàng Hổ thấy tao mặt mày còn non choẹt thì khi dễ. Tới hồi đánh hết hai hiệp rồi mà chưa hạ được tao, vì tuy tao có trúng đòn nhưng tao lì đòn mà, lăn xả ăn miếng trả miếng. Tới hiệp 3 thì Hoàng Hổ muốn kết thúc bằng cú sở trường. Tao biết vậy nên hết sức để ý. Tới chừng thấy y không tấn công nữa thì tao biết y sắp ra đòn độc. Hoàng hổ bay vô cái ào, nó thuận chân trái nên dùng chân trái để đốn tao. Tao xoay người, cũng dùng chân trái để quất hết sức lại. Hai ống quyển chạm nhau nghe một cái “cốp”. Tao lảo đảo muốn té, cú đá của Hoàng Hổ kinh thật. Nhưng rồi tao thấy nó khuỵu xuống, mặt nhăn lại, nó đứng không nổi nữa. Tao bay tới tính dậm bồi nó một phát, nhưng trọng tài hay thiệt, đã cản giò tao lại.
- Rồi sao bác, ông kia bị sao bác ?
- Nó bị nứt xương ống quyển nên phải chịu thua.
- Bác giỏi thiệt há ! - Cả bọn tôi nhao nhao khen .
Ông Hai cười, có lẽ ông cũng đang khoái chí trong lòng.
- Ấy, rồi sau cái vụ đó, danh tiếng tao nổi như cồn. Bởi vậy ông già tao mới nghe được, nhưng mà ổng đã không thích còn nổi xung thiên lên. Ổng la bà già tao, nói không lo coi để nó quậy có ngày mang họa. Rồi ổng cấm cung tao, giao cho ông già Cụm, quản gia, canh chừng không cho đi đâu hết.
Tao đâu chịu nổi nên lén lấy tiền bà già rồi trốn lên Đac-lăk, nơi người ta đang mộ phu đồn điền.
- Bác cũng giang hồ dữ hén ! - Tôi chêm vô một câu.
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
|
phovang11
member
REF: 671929
02/20/2014
|
ÔNG MỘT (2)
- Tao lên đó, rồi cặp-rằng thấy tao to con, khỏe mạnh nên cho tao vô đội rừng, tức là chuyên đi khai thác cây gỗ trong rừng. Thợ rừng ở đây cũng là những người thập phương lên đây kiếm sống đem tiền về nuôi vợ con. Có một cái lán dài, như cái nhà vậy, có sạp để ngủ. Ăn uống thì có chủ thầu lo, rồi trừ vô tiền làm. Bà Tư là vợ một thợ rừng và cô con gái là Út Rí, lo cơm nước cho cả mọi người.
- Nhưng lúc tao lên thì ngay ngày hôm sau là có một người thợ rừng chết. Những người khác thì mặt mày xanh lét, không chịu đi làm nữa. Tao cũng không hiểu chuyện gì, hỏi một người thì người đó chỉ nói nho nhỏ như sợ có ai nghe thấy vậy :
- Ông Một về đó !
- Hả ? Ông Một là ông gì vậy ?
- Trời ơi ! Ông Một là Ông Một chứ ông gì !
Bữa tối hôm đó, cả đám ngồi trong lán uống rượu, tao lại hỏi :
- Sao mình không đi làm, mượn tiền trước mà không làm trả nợ (vì chủ ứng tiền trước cho thợ rừng tiêu xài, ăn uống). Mà ông Một là ông gì vậy ?
- Thằng nầy mầy thiệt không biết hả ? Hay mầy làm bộ vậy ?
Một anh cỡ chừng ba mươi , tên Cần, hỏi tao vậy. Chả hỏi mà lườm lườm coi bộ như muón gây sự với tao nữa. Tao cũng đâu có ngán, nên nói lại :
- Tui không biết nên mới hỏi không được sao ?
- Thôi, để tao nói cho nghe, thằng nầy nó còn nhỏ tuổi nên không biết đó . Ông Một là heo rừng già, mạnh lắm, nên mình nể gọi là Ông Một đó .
- Tưởng gì, thì ra là con heo rừng . - Tao còn xì một tiếng nữa.
- Đừng giỡn nghe mầy, ổng nghe được đó !
- Làm gì mà sợ dữ vậy. Hổm nay té ra là mấy ông sợ nó nên không dám vô rừng làm chứ gì !
Tao nói càn ngang, vì tao nghĩ chỉ là con heo rừng mà có gì phải sợ quá vậy.
- Ấy ! Thằng này nó giỡn mặt mà, làm thợ rừng phải biết kiêng cữ chứ mầy.
Tao nghe càng tức khí, nổi máu anh hùng lên nên nói ;
- Tui nói thiệt, để tui hạ nó cho mấy ông xem, thằng Hoàng Hổ vô địch kia mà tui còn hạ được, xá chi một con heo rừng.
Cũng có mấy người nghe chuyện tao hạ võ sĩ Hoàng Hổ rồi, nhưng lại nói :
- Người không so với Ông Một được đâu .
- Sao, mấy ông không tin hả ?
- Mầy mà làm được tụi tao tôn mầy làm đại ca luôn. Chỉ sợ nói dóc thôi chứ ở đó mà dám. - Cha Cần lại xỉa tao.
Tao cũng vô một hai ly rượu rồi nên nghe anh kia nói thì phát nóng.
- Ê, ông nói ai dóc đó ?
- Tao nói mầy chứ ai, con nít mà bày đặt.
Tao nổi nóng, dộng chả cái rầm liền. Chả bật nhào ra, may có mấy ông kia đỡ lại. Đó là tao cũng nương tay không dám đấm mạnh. Cha Cần bị tao đánh, chả đòi ăn thua đủ với tao, la lối lại om sòm.
Lúc đó, có tiếng người bước vô rồi nói :
- Nầy, mấy anh sung sướng quá há, ăn nhậu rồi cãi lộn nữa hả ?
Mọi người nhìn ra thì hết hồn, thì ra là ông chủ thầu tới (thời đó sợ chủ lắm, vì người ta cung cấp tiền bạc, công việc cho mình). Cặp rằng Be lên tiếng :
- Ai mới cãi lộn đó ? Phải thằng nầy không ? - Ông ta chỉ tao, vì thấy tao còn đứng trong khi mấy người khác thì ngồi.
- Nó đó, nó mới đánh tui nữa đó. - Cha Cần méc.
Rồi sau đó mọi người phải kể lại đầu đuôi câu chuyện. Õng chủ thầu nghe qua, nhìn tao gật gù rồi hỏi :
- Chú em mầy nói thiệt hay nói dóc chơi vậy hả ?
- Tui nói thiệt mà.
Ông chủ thầu hỏi cặp rằng, thì cặp rằng Be cũng nói là mới nghe nó hạ Hoàng Hổ ở miền Nam ra.
Ông chủ thầu trầm trồ :
- Giỏi ! Tuổi trẻ tài cao. Giờ chú nói là có thể hạ được Ông Một phải không ?
- Dạ, tui dám mà .
- Được rồi ! Nếu chú nói chắc vậy thì tui sẽ cho người dẫn chú đi và hổ trợ chú. Được việc thì tui sẽ thưởng phần chú 200 đồng. Chú có cần gì không ?
Hai trăm hồi đó rất lớn, lương thợ rừng một tháng chỉ được 8 đồng bạc, đã là phong lưu lắm rồi.
Mọi người im phăng phắc, chờ phản ứng của tao.
- Được, tui chịu . Ông chủ làm sao kiếm cho tui một ngọn mác cho tốt, cán cho thiệt chắc và thêm một con dao găm thiệt bén nữa là được.
- Trong vòng ngày mai, chú sẽ có hai thứ đó. Nếu chú muốn yêu cầu gì thêm cứ nói với chú Be đây nghe. Bữa nay thì anh em cứ vui đi, nhưng phải giữ sức. Ngày mốt, phải đi cùng chú em nầy vô rừng đó.
Ông chủ thầu ra về, đám thợ rừng tiếp tục nhậu. Mọi người lúc đó mới tâng bốc, đưa tao lên mây xanh. Nào là “Võ Tòng tái thế”, nào là “Lê Văn Khôi trở lại”. Tao biết là hai người đó hồi xưa chỉ đánh cọp chứ có ai đánh heo rừng đâu, tuy vậy tao nghe cũng khoái chí, hả dạ lắm. Tao đâu biết rằng tao đang làm mồi cho người ta một cách ngu ngốc. Nếu may ra mà thành công thì ông chủ thầu có lợi to, doanh thu từ khai thác gỗ rất lớn. Còn đám thợ rừng cũng vậy, yên rồi thì họ mới có thể vô rừng làm kiếm tiền. Còn nếu không xong, thì cái mạng tao kể xá gì, gia đình tao có nghe cũng không kiện cáo gì được, vì tao tự nguyện mà, có bao nhiêu là nhân chứng ngồi cả đám đây.
Thiệt ra, tao trẻ người non dạ, cộng thêm cái tánh khí ngang tàng bướng bỉnh nữa nên cứ thích làm anh hùng rơm. Tuy là hồi giờ chưa biết Heo Một lợi hại như thế nào thiệt, nhưng mà nếu người biết suy nghĩ thì cũng phải hiểu nó ghê gớm lắm nên cả đám thợ rừng mới phải sợ nó như vậy. Mấy tay thợ rừng kia biết vậy nên càng khích tướng tao dữ nữa, hỏi thăm về trận đấu lôi đài vừa rồi giữa tao với Hoàng Hổ, tao lại được tung hô tưởng như mình là anh hùng thiệt rồi.
Ngày hôm sau, ông chủ thầu mang cây mác và dao găm tới. Tao coi kỹ, cây mác thiệt tốt, mũi nhọn, bén, láng bóng, cán thì bằng tầm vông già, chắc mà dẻo không gãy được. Tao cầm lên múa thử vài đường thấy vừa tay lắm.
Ngày hôm đó mọi người ăn ngủ dưỡng sức để bữa sau vô rừng quyết chiến với Ông Một. Tao thì cũng thấy nôn nao trong lòng, nghĩ lại cũng thấy lo lo, không biết cái con heo rừng nầy nó hung dữ cỡ nào mà ông chủ thầu nầy thưởng số tiền lớn như vậy. Nhưng mà giờ đã leo lưng cọp rồi, chỉ có tới thôi chứ đâu còn đường lui nữa. Ối, ngán gì ! Cuối cùng nhắm đánh không nổi thì chạy là cùng chứ gì ! Nhưng mà mình tin là mình sẽ hạ nó, chỉ là một con heo rừng mà !
Mấy thợ rừng kia thì cứ xầm xì to nhỏ gì đó, thấy tao lại thì họ im, nói lảng qua chuyện khác, tao cũng mặc kệ. Tao chỉ xách cây mác ra múa vun vút, dợt lại tay chân cho nhuyễn trước khi quyết chiến. Không gì tự tin bằng khả năng của chính mình, tao nghĩ vậy.
Chiều hôm đó, trước khi đi, cặp rằng Be kêu mọi người bày bàn ra, ông chủ cúng kiếng, khấn vái hết một chặp. Rồi ăn uống, mỗi người chỉ uống đúng một ly rượu để lên tinh thần thôi, rồi tất cả xuất hành.
Trời đã chạng vạng. Tất cả mười lăm người, nai nịt vũ khí, đuốc dự phòng…đi vào rừng. Hôm đó mười ba nên trời có trăng mờ mờ sau khúc rừng thưa. Đoàn người lầm lũi đi, không dám gây tiếng động. Đi được cỡ nửa tiếng đồng hồ thì thấy phía trước rừng sẫm màu hơn, đó là rừng già của Buôn Đôn. Tới đây, tao thấy mọi người đi gần lại nhau, có vẻ như khẩn trương, sợ hãi vậy. Một người nói như thì thầm “Mình trên đầu gió rồi”. Tao nghe, hiểu là như vậy thì con thú sẽ dễ đánh hơi tìm ra mình.
Bỗng nhiên, dường như một âm thanh là lạ vang lên, mọi người dừng lại. Tao lắng nghe, một âm thanh “ phù phù “ giống như thợ rèn đang thổi ống bể vang lên nghe nho nhỏ, mơ hồ. Nhưng rồi tiếng “phù phù” đó mỗi lúc nghe mỗi rõ hơn. Đám thợ rừng bỗng co rúm lại với nhau. Tao hỏi nhỏ :
- Tiếng gì vậy ?
|
|
phovang11
member
REF: 672132
02/24/2014
|
- Ổng đó !
Lúc đó tao mới hiểu âm thanh đó là tiếng thở của “Ông Một “. Mọi người ngồi cả xuống, làm như tránh cho Ông Một khỏi thấy vậy. Tao cũng ngồi xuống theo, căng mắt ra nhìn vào màn đêm phía trước. Ánh trăng hiếm hoi lọt qua tàng cây, cảnh vật im lìm, mờ ảo. Tiếng phù phù lại càng nổi bật, mỗi lúc nghe rõ hơn đến rợn người. Tao thấy đầu óc căng thẳng, má cái đám thợ rừng kia chắc còn sợ gấp trăm lần, im thin thít. Nếu mà đánh nhau với nó giữa ban ngày ban mặt thì tao cũng chẳng ngán, tới đâu thì tới. Còn trong tình cảnh nầy không sợ cũng phải sợ, sợ vì căng thẳng, sợ vì hồi hộp, sợ vì bóng đêm, có thấy gì rõ ràng đâu mà đánh với đấm !
Bỗng tiếng “phù phù” không còn nữa, mà thay vào đó là tiếng khục khặc như một âm thanh gầm gừ phát ra từ cổ họng một con thú to. Tao vẫn dán mắt vào màn đêm quan sát. Đột nhiên, tiếng bước chân thịch thịch như của một con thú đang chạy hướng về chỗ tụi tao ngồi. Tao nhìn và chết khiếp trong lòng : Một bóng đen to như con bò đang phóng về phía mình. Phía sau, đám thợ rừng bỗng tuôn chạy rật rật làm tao cũng hoảng hồn…
Tao cũng lật đật…chạy. Giờ nầy không máu me ngang tàng gì nữa, anh hùng rơm cũng đi chỗ khác chơi luôn, tao chỉ biết chạy. Trong đầu tao nghĩ, trời ơi ! cái nầy trâu rừng chứ heo gì mà to khiếp hãi thế. Khổ cái, tao chạy trong rừng đêm không quen nên không chạy nhanh được, cái đám thợ rừng kia thì đã mất dạng.
Tao chỉ chạy được chừng vài chục thước thì nghe tiếng khè khè đã sát sau lưng. Rồi tao nghe thốn ngay cái tay cầm mác và như có một cái sức mạnh đẩy tao ra trước. Dù sao, với phản xạ của người có nghề võ, tao hiểu ngay và xoay người dùng hai tay nắm thật chắc cán ngọn mác.
- Bây biết chuyện gì xảy ra không ?
- Chuyện gì vậy bác ? - Tụi tôi nhao nhao lên hỏi.
Ông Hai lại ngưng kể, thò tay lấy bịch thuốc rê quấn một điếu tổ nái, thở một hơi khói rồi làm ngụm nước trà.
- Đó là cũng may cho tao ! Vì khi đi thì tao cầm đứng ngọn giáo để khỏi trúng người khác. Nhưng khi chạy, tao lại cầm ngang xuống, mà mũi ngọn mác thì quay về phía sau. Lúc Ông Một xông tới đó, thì nó táp cái ầm vô trúng ngay mũi mác trong họng. Sau nầy, tao nghĩ có lẽ vì lúc sáng tao đâm mác vô miếng da nai của cặp rằng Be nên còn dính mùi da, Ông Một thính hơi nên táp vô ngay đó.
- Ồ ! - Tụi tôi “Ồ” lên như để chúc mừng cái may mắn của ông Hai.
- Í ! Nhưng mà chưa đâu. Tuy dính mũi mác trong họng, nhưng nó mạnh lắm, cứ đẩy tao tới. Tao thì ráng xuống tấn trụ lại, nhưng trụ không nổi với nó. Cũng may là, nếu nó càng đẩy mạnh thì càng bị đau vì ngọn mác càng đâm cổ họng mạnh hơn. Nhờ vậy chứ không chịu gì nổi nó. Nhưng nó đâu dễ chịu thua, nó không đẩy tới được thì ủi bên nầy, quật bên nọ, thiệt bầm dập với nó. Tao cũng ráng hết sức giữ cho chặc cây mác, tao biết rằng nếu mà nó sút ra được thì kể như mình hốt xác. Nó đẩy tới thì tao lui, nó quay bên nào tao xoay theo bên đó, lúc nào cũng phải đối diện với nó để ngọn mác không sút ra được. Lúc đó tao mới biết nó to cỡ như một con trâu nghé chứ không phải chơi. Tao chiến đấu với nó suốt đêm, nó tới tao lui mà nó lui tao tới, không kể gì gai góc cào xước, giây nhợ cứa tay chân mình mẩy gì ráo. Cỡ vài tiếng sau thì tao với nó đều đuối sức. Nó thở khè khè, tao cũng vậy, thở không ra hơi muốn chết luôn, nhưng mà tao nhứt định không buông mác. Lúc đó, nó hầu như nằm đó chịu trận, tao thì cũng đứng hết nổi. Vậy mà, thỉnh thoảng nó vùng dậy quật tao, tao lại ráng cầm cự với nó. Năm lần bảy lượt như vậy thì tao như đứt hơi, muốn chết rồi. Nó cũng chẳng hơn gì, nằm một đống thở khò khè yếu dần.
- Rồi sao bác, hấp dẫn quá đi !
Lúc tao tỉnh dậy thì thấy khuôn mặt Út Rí đang nhìn tao cười.
- Anh tỉnh rồi nè .
Tao cảm thấy người thật là mệt, mình mẩy thì đau nhức rêm hết. Tao khẽ cựa, muốn đưa tay lên mà đưa không nổi. Út Rí liền nói :
- Anh muốn gì ? Nước phải không ? Để em lấy cho.
Út Rí múc từng muỗng nước cam đút cho tao rồi nói :
- Anh nghỉ đi, để em kêu mẹ nghe, mẹ còn dưới suối.
Lúc nầy, tao mới định thần thì biết là mình đang nằm trong lán, trời thì đã xế chiều. Đầu óc còn lơ mơ lắm, tao lúc đó như người bệnh nặng lâu năm, chẳng còn chút sức lực gì.
- Nó tỉnh rồi kìa. Tội nghiệp ghê không !
Giọng của bà Tư, mẹ Út Rí.
- Bắc cháo cho nó đi . - Giọng ông chủ thầu.
Tao được mẹ con bà Tư và Út Rí chăm sóc, đút từng muỗng cháo cả ba ngày như vậy mới dậy nổi. Lúc đó mới nghe kể lại đầu đuôi ra sao.
Đêm dó không thấy tao trở về, sáng hôm sau, đám thợ rừng mới gióng trống khua chuông mò vô rừng kiếm. Ai cũng nghĩ là chắc vô lấy xác thôi chứ sống sao nổi với Ông Một. Không ngờ, lúc vô tới nơi thì thấy nơi đó như một bãi chiến trường. Cây nhỏ, lùm bụi bị cày nát hết. Ông Một thì nằm một đống, kế bên là tao cũng nằm im ru, tay còn nắm ngọn mác cắm sâu trong họng Ông Một.
Cả đám khiêng tao và Ông Một vể. Tiếc một điều là vì tao mê man nên không thấy được Ông Một tận mắt lúc ban ngày, nhưng ông chủ thầu có chụp ảnh lại. Sau đó, mọi người đem xẻ thịt ăn và ướp làm heo mặn nữa. Con heo chúa nầy cân nặng tới gần hai tạ.
- Ồ ! Khiếp thiệt !
Tụi tôi la lên, heo rừng mà gần hai tạ thì ghê thiệt, thảo nào mà chẳng được phong là Ông Một.
- Nhưng sao gọi là Ông Một hả bác ? - Tôi nêu thắc mắc.
- Ừ, một đây có nghĩa là một mình, đơn độc. Vì heo rừng mà heo đực, thì khi lớn mạnh rồi hay tách bầy ra sống một mình nên gọi là một. Thường nó có giang sơn của nó, cũng như cọp vậy, hễ có gì xâm phạm là nó tấn công để bảo vệ lãnh địa của nó. Rừng là của muôn thú mà, chỉ tại con người xâm lấn vô nên nó phải tự vệ thôi.
- Đúng rồi ! Cũng như mình bây giờ vậy, nhưng biết làm sao hơn ! Rồi sao nữa bác ?
Ông Hai lại kể tiếp :
- Từ hôm đó, danh tiếng “ Hạ Ông Một “của tao nổi như cồn. Những thợ rừng giờ mới thấy thương tao, vì tao đã dám hy sinh mạng sống để họ có công ăn , việc làm. Ngay cả thợ đồn điền cũng tìm tới gặp tao cho biết mặt, vì nghe tiếng đồn. Cặp rằng, chủ thầu cũng nể tao lắm, cử mẹ con bà Tư lo cho tao ăn uống để hồi sức. Mà tao cũng im luôn, đâu có nói ra cái vụ Ông Một táp nhằm vô lưỡi mác đâu. Mọi người tưởng tao ở lại để chiến đấu với nó nên mới nể tao nhiều như vậy…hi hi…
Tao nằm cả chục ngày mới hồi phục được, cũng nhờ sức trai đang mạnh và sự săn sóc của mẹ con bà Tư, nhất là Út Rí.
- Vậy bác mau khỏe là phải rồi, hay là có khi bác không muón khỏe cũng có nữa đó chứ !
- Thằng biết hết trơn ! - Ông Hai cười hì hì rồi tiếp.
- Mà bây biết bà Tư là ai không ?
Tụi tôi ngẩn ra, làm sao biết được mà nói ! Chỉ có tiếng Xíu cười nhỏ, tôi bỗng nảy ra một ý :
- Không lẽ là bà… - Tôi chỉ vào Xíu .
- Thằng giỏi đó ! Là bà ngoại của con nhỏ nầy chứ ai.
- Ồ ! Vậy Út Rí đó chính là…
- Má chứ ai nữa ! - Xíu trả lời thay cho ông Hai.
Cả đám lại “Ồ” lên vì cái kết cuộc bất ngờ mà vui của câu chuyện.
Trời đêm lại nổi gió lành lạnh.
Phải chi đêm nào tôi cũng được ngồi đây ngắm cô hàng xóm dễ thương bên cái giọng khàn khàn, với những câu chuyện giang hồ lãng tử của ông Hai.
|
1
|
Kí hiệu:
:
trang cá nhân :chủ
để đã đăng
:
gởi thư
:
thay đổi bài
:ý kiến |
|
|
|
|