sontunghn
member
ID 59422
03/14/2010
|
Đi tìm chiếc sừng bí ẩn chữa bá độc
Thời gian qua, nhiều người đồn thổi nhau về chiếc sừng cong cong, bóng nhẫy có thể chữa được rất nhiều loại độc. Ban đầu, tôi cũng không mấy tin lắm. Tuy nhiên, khi tận mắt chứng kiến, lại được một lương y giúp "hút độc" từ vết cắn cách đây 2 năm, tôi đã không khỏi bị thuyết phục...
Dinh "khoái khẩu" rắn
Lang thang trên phố thuốc Đông y ở đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP.HCM), chúng tôi cố dò hỏi thông tin về sừng dinh rắn, nhưng buồn thay chỉ có những cái lắc đầu. Rất may, có một ông chủ quầy thuốc cỏ cây tên Hán Minh (vốn là người Việt gốc Hoa) lại tiết lộ thông tin về loài thú bí ẩn này.
Ông kể: "Con dinh là loài thú có thật đấy chứ không phải hư cấu đâu. Nó hiếm và quý lắm! Nhưng mà hình như nó đã tuyệt chủng từ lâu rồi. Nếu tôi nhớ không lầm thì trước năm 1975, tôi từng biết và từng thấy ở phố thuốc này có một người gốc Lào có chiếc sừng dinh. Định rằng khi nào rảnh rỗi, tôi sang hàng thuốc của ổng hỏi rõ hơn về chiếc sừng ấy, nhưng khi tôi tới tìm ổng lần nữa thì gia đình ổng đã chuyển nhà đi nơi khác".
"Nếu tôi nhớ không lầm thì ông ta bảo loài dinh có 3 nhóm: dinh cỏ, dinh cá và dinh rắn. Mỗi con nặng độ khoảng 20kg trở lại. Ngoài ra, mỗi loại đều có thức ăn riêng.
Nếu là dinh cá thì chỉ chuyên ăn cá, nếu là dinh cỏ thì chỉ chuyên ăn cỏ, lâu lâu chúng mới kiếm rắn bỏ miệng chơi. Dẫu chuộng thức ăn khác nhau nhưng cái hay ở chỗ là cái sừng của 3 nhóm dinh này đều có tác dụng hóa giải nọc độc của rắn, thậm chí nọc độc của mèo cào, chó cắn...", ông Hán Minh khẳng định.
"Chưa thấy loại thú này bao giờ"
Nghe qua câu chuyện của ông Minh, chúng tôi lại thấy có nhiều điểm na ná như lời ông Bùi Thanh Tùng (còn gọi là Tư Tùng) ở ấp Thới Thượng, xã Thới Sơn (Tịnh Biên, An Giang). Ông này cũng có một cái sừng dinh nho nhỏ thật quý hiếm, có màu đen tuyền, cỡ một ngón tay.
Theo lời ông thì đó là sừng dinh rắn, hút nọc độc rất hay và ông đã dùng nó cứu chữa không biết bao nhiêu người thoát khỏi lưỡi hái của tử thần do bị "mãng xà" tấn công.
Cũng theo ông Tư Tùng thì loài dinh rắn rất khoái khẩu các loài rắn độc. Rắn càng độc thì càng khoái... Đang định xuống Tịnh Biên để tìm hiểu về chiếc sừng này của ông Tùng thì chúng tôi được tin tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM có lương y Nguyễn Thái Bình sở hữu 2 cái sừng dinh quý chữa bá độc.
Thoạt đầu nghe chúng tôi đề cập đến sừng dinh, ông Bình hơi ái ngại, hỏi "sao biết" và rồi ông cởi mở ngay khi biết chính bạn bè thân thiết của ông mách.
Lương y Nguyễn Thanh Bình và 2 chiếc sừng dinh (sừng dinh đực màu đen tuyền).
Ông Bình bảo, sự thật về loài dinh ra sao thì ông cũng không biết vì chưa nhìn thấy nó bao giờ, chỉ nghe trên lí thuyết mà thôi. Ấy là một loài thú có hình dáng y như con trâu nước, nặng khoảng 1 - 2 trăm cân, chúng ngủ dưới sình lầy. Tối ngủ chúng móc sừng lên cành cây, đầu thì dũi trong bụi cây.
Loài thú này sống trong rừng tự nhiên ở châu Phi. Chúng chuyên sống nơi rừng thiêng nước độc, ít người lai vãng tới. Chúng hay ăn các củ ngải quí hiếm trong rừng. Chúng chỉ có một cái sừng cong cong duy nhất mọc trên đầu như tê giác vậy.
Ngày trước khi còn sống, cha tôi bảo dẫu dinh cái hay dinh đực thì chúng cũng đều có sừng và sừng của chúng đều có tác dụng hóa giải nọc độc, chữa bệnh".
Hóa giải mọi nọc độc?
Cao hứng, ông Bình vào nhà trong lấy ra hai cái sừng dinh, một của con đực, một của con cái cho chúng tôi xem. Một chiếc sừng dài 1 gang tay (khoảng 20cm), có 13 khứa, uốn cong giống hình cán dù, màu đen, nặng chừng 150g, cứng như đá.
Ông Bình nói: "Năm 2003, tôi gặp một người Miên ở bến xe Tây Ninh, anh ta mang cái sừng dinh này sang Việt Nam tìm những thầy thuốc chuyên về động vật để bán. Lúc đầu chiếc sừng dài đến 30cm, tôi cắt để chữa bệnh cho người ta mãi nên chỉ còn nhiêu đó thôi...".
Chiếc sừng đen ấy là của con đực, có nhiều dấu vết rạn nứt bởi con đực thích đánh nhau. Sừng có những đường vân, hoa văn rất đẹp. Còn chiếc sừng nâu của con cái lại bóng láng hơn, không có dấu hiệu rạn nứt. Ông bảo sừng con cái này ông mới "tậu" về.
Ông "bật mí" rằng để phân biệt sừng dinh, dẫu là màu nâu hay màu đen, dinh đực hay dinh cái nếu đúng là thứ thiệt thì sừng lúc nào cũng bóng loáng. "Nếu nghi giả, mình thấy bóng nhưng lấy ngón tay có mồ hôi chà lên chỗ bóng thì chỗ đó bị mờ đi".
Lương y Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm: "Khi có bệnh nhân bị rắn cắn thì việc trước tiên tôi dùng cưa sắt cưa ở phần dưới chân sừng một miếng nhỏ rồi úp vào vết thương để hút độc. Kỳ lạ ở chỗ là khi mình đưa miếng sừng vào sát vết thương thì lập tức cứ như có nam châm hút vậy, nó thít chặt vào vết thương, khi hút hết độc thì tự nhiên miếng sừng rớt ra.
Muốn hóa giải nọc độc thì bỏ miếng sừng vào rượu trắng 45 - 50độ, ngâm trong khoảng 30 phút sau thì tất cả nọc độc trong miếng sừng đã được hóa giải. Lúc đầu rượu trắng trong veo, khi nhả độc ra thì nó màu đục y như nước vo gạo.
Theo kinh nghiệm chữa trị mà tôi học được từ ông già mình và một người thầy thuốc người Nùng thì bên cạnh việc đắp sừng vào vết thương còn phải cho bệnh nhân uống kết hợp với một số cây thuốc có tác dụng hóa giải nọc độc nữa".
Mong nhà khoa học, lương y vào cuộc
Ông Bình kể: "Khi trước tôi sống ở vùng núi hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, rừng núi nhiều nên bị rắn cắn nhiều. Nhờ sừng dinh mà tôi tự cứu mình, người thân và bà con, người ta cảm ơn tôi rồi đồn thổi tôi chữa rắn cắn cao tay nhưng kỳ thật cũng nhờ sừng dinh thôi.
Nghe ông nói về công hiệu sừng dinh hay quá, chợt nhớ hơn hai năm về trước trong rừng nguyên sinh An Toàn (An Lão, Bình Định), tôi đã bị con vật độc gì cắn phía trên mắt cá chân phải.
Dấu tích để lại là một vết tròn thâm đen, ngứa từ bên trong, gãi đến chảy máu mà chẳng ăn thua gì. Không ngần ngại, tôi lôi cái chân ấy lên bàn cho ông xem.
Ông Bình cười bảo "dễ thôi" rồi lôi ra một cái hộp thuốc nhỏ bằng nhựa, bên trong thuốc màu vàng, đặc sền sệt, bôi lên chân tôi. Vết thương bỗng dưng êm ái và không ngứa nữa.
Ông cho biết đó chính là thuốc được bào chế từ sừng dinh và các loại thảo dược để trị độc. Lương y Bình đã bảo quản sừng dinh bằng gạo nếp rang để trong một cái hũ đậy nắp thật kín để sừng tăng tuổi thọ. Ông nói: "Nếu không bảo quản như thế thì công dụng của chiếc sừng sẽ giảm.
Tiễn chúng tôi, lương y Bình nói: "Tôi mong rằng sẽ có các nhà khoa học, lương y kiến giải được tính năng hút nọc độc của sừng dinh để có thể áp dụng chữa bệnh cho bà con được rộng rãi hơn"...
HảiÂu
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|