Ở "Dòng sông lơ đãng", ta thấy thấm đượm đâu đó cái cảm giác trải nghiệm về thời gian, về cuộc đời. Người nghe được lắng sâu, chiêm nghiệm những dòng xúc cảm riêng tư qua những ẩn dụ tinh tế hàm chứa trong mỗi câu hát.
“Dòng sông lơ đãng”, “Tình yêu tôi hát”, “Không còn mùa thu” là những khúc tình ca tuyệt đẹp, lắng sâu của nhạc sỹ trẻ Việt Anh. Nếu như “Tình yêu tôi hát” man mác những xúc cảm sáng trong tinh khôi, “Không còn mùa thu” chất chứa vẻ đẹp siêu thoát, pha lẫn giữa mộng và thực của tình yêu tuổi trẻ thì “Dòng sông lơ đãng” lại đong đầy niềm luyến tiếc cho một tình yêu không thành:
Từng ngón tay khép như nụ hoa trắng
Bỏ lại hàng cây ngơ ngác sau lưng
Và nỗi đau rơi trong lòng đêm vắng
Nỗi đau ta nhận riêng mình
“Một dòng” cô đơn chảy chầm chậm vào tâm hồn người nghe ngay từ những câu hát đầu tiên. “Từng ngón tay khép như nụ hoa trắng” hay khép lại một câu chuyện tình dang dở, thế nhưng ngón tay khép lại mà nỗi lòng bỗng mở ra nỗi buồn mênh mang.
Chỉ còn lại “hàng cây ngơ ngác” và ta với “nỗi đau” lặng lẽ trong đêm sâu thẳm, lặng lẽ. Mỗi câu hát vang lên khắc khoải tựa tiếng thở dài buông khẽ, tiếc nuối về ai kia, tiếc nuối về tình yêu đã trôi qua tay tự khi nào, chỉ còn nỗi cô đơn giờ thì “ta nhận riêng mình”.
Cảm xúc được truyền tải bằng ca từ giàu chất thơ, trong sáng và gợi cảm đúng với chất của Việt Anh:
Ở chốn nào dòng sông đã hoà cùng đại dương
Cạn bến bờ chiều nay thẫn thờ nhìn hoàng hôn
Rồi chúng ta sẽ đôi lần nuối tiếc
Để một dòng sông lơ đãng trôi qua
Một sớm kia xuôi theo dòng em đến
Cớ sao anh chẳng đứng chờ
Dòng sông với đôi bờ thương nhớ, dù xa xôi nhưng tình yêu vẫn gần bên - hình ảnh ấy đã rất quen thuộc trong thơ, trong nhạc. Thế nhưng “Dòng sông lơ đãng” của Việt Anh, dòng sông ấy lại mang nỗi tiếc nuối, trăn trở bởi tình yêu ấy đã lỡ hẹn mất rồi.
Ta gặp lại “trò đuổi bắt trong tình yêu” vẫn ám ảnh Việt Anh qua nhiều ca khúc: tình yêu vẫn đến từ hai phía, vẫn khắc khoải tìm nhau, nhưng rồi luôn kết thúc với nỗi tiếc nhớ xót xa, khi nó đã qua đi không cách nào thấy lại.
Dòng sông dành riêng cho em mới khi nào “lơ đãng trôi qua”, rồi từ lúc nào đã xuôi về hoà vào biển cả mênh mông, chỉ còn lại một mình em với bến bờ hiu quạnh, ngơ ngác trong nỗi mất mát bất ngờ.
Niềm tiếc nuối đong đầy về một tình yêu đã không bao giờ còn dành cho ta nữa. “Một sớm kia xuôi theo dòng em đến/ Cớ sao anh chẳng đứng chờ?”- Câu hỏi bật lên day dứt đầy đớn đau.
Ở đây, không phải là những hoài niệm, những luyến tiếc man mác trong veo về tình yêu thủa ban đầu như “Tình yêu tôi hát” nữa. Ở “Dòng sông lơ đãng”, ta thấy thấm đượm đâu đó cái cảm giác trải nghiệm về thời gian, về cuộc đời. Người nghe được lắng sâu, chiêm nghiệm những dòng xúc cảm riêng tư qua những ẩn dụ tinh tế hàm chứa trong mỗi câu hát:
Rồi sớm mai sẽ không còn vết dấu
Một bờ phù sa quên bước chân qua
Chỉ có mưa bâng khuâng về trong mắt
Khóc đi cho thoả dỗi hờn
Những xúc cảm ấy trở thành vết xước trong trái tim mà ta sẽ mang theo suốt cuộc đời mình, nhắc nhớ về một tình yêu ngày cũ.
Mưa đấy hay nước mắt rơi? Câu hát “Chỉ có mưa bâng khuâng về trong mắt” dâng lên cái cảm giác chênh vênh của một trái tim lẻ loi, bị lãng quên. Đến bao giờ mối tình xưa sẽ ngủ yên trong lòng ta như một bờ phù sa lặng lẽ?
Cho dù có tiếc nuối, thương nhớ thì tất cả cũng đều là quá khứ rồi. Tất cả rồi sẽ trở thành hoài niệm mà thôi! Vậy thì cứ khóc đi cho thỏa nỗi lòng đầy, khóc đi cho cạn bớt dỗi hờn, tủi hổ, nuối tiếc...
“Dòng sông lơ đãng” của Việt Anh trôi nhè nhẹ vào lòng người nghe bằng dòng chảy ca từ tinh tế và bằng xúc cảm khắc khoải khôn nguôi. Có lẽ ai cũng từng trôi qua một “dòng sông lơ đãng” như thế, để rồi còn lại là những tiếc nuối và có thể là cả những đớn đau, nhưng rồi con tim sẽ học được một điều - trân trọng, yêu thương và gìn giữ khi tình yêu còn ở trong tay!