tanrau
member
ID 34547
12/26/2007
|
trái cây nên thuốc ( thân tặng CLB Hội già )
Quả gấc: "mật gấu treo"
Tác dụng của tinh dầu hạt gấc có tác dụng chẳng kém gì các loại mật gấu, nên các lương y thường gọi đây là "mật gấu treo".
Gấc là loại cây leo, phát triển tốt ở những vùng khí hậu nóng. Khi quả gấc có màu đỏ (đã chín) hái về treo gác bếp để dành, quả gấc sẽ teo nhỏ, để cả năm vẫn không bị hỏng.
Quả gấc có tên khoa học là momordica cochinchinensis, được mọi người hay dùng để nấu xôi - một món ăn truyền thống. Xôi gấc có màu đỏ tươi, thơm, ngọt dịu, dẻo, béo... rất ngon, mọi người thường dùng trong những dịp đặc biệt như cúng tổ tiên, hay lễ tết, hội hè. Tuy nhiên, khi ăn xôi, ta thường bỏ hai vị thuốc quý đó là màng bọc hạt gấc và nhân hạt gấc. Màng bọc hạt gấc có chứa một vị thuốc quý là carotene (tiền sinh tố A), có tác dụng điều trị quáng gà, làm sáng mắt, giúp trẻ con mau lớn, người già thêm cứng cáp, giúp các vết thương mau liền sẹo... Viên dầu gấc đang có bán trên thị trường được chiết xuất từ màng bọc hạt gấc. Còn nhân hạt gấc là một vị thuốc rất quý có tác dụng làm tan các vết bầm do chấn thương, làm mau lành những nơi bị nhiễm khuẩn, cầm máu, làm vết thương mau lành...
Theo bác sĩ Trần Danh Tài - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Lâm Đồng thì: "Tác dụng của tinh dầu hạt gấc chẳng kém gì các loại mật gấu (như gấu rừng, gấu nuôi, gấu chó, gấu mèo), nên chúng tôi hay gọi vui đây là mật gấu treo". Cách chế dầu từ màng hạt gấc theo phương pháp thủ công: sau khi lấy hết cơm để nấu xôi, ta lấy hạt gấc đựng vào rổ, xát nhẹ để trôi hết những phần cơm còn bám vào hạt gấc. Sau đó phơi khô cho đến khi màng bọc hạt gấc khô giòn, bóc lấy màng, sấy khô, tán mịn rồi hầm nóng (khoảng 60 - 70 độ C) rồi cho vào lọ đựng dầu lạc, khoảng 30 phút sau là có thể dùng được. Nếu bảo quản trong tủ lạnh hay nơi thoáng mát thì có thể
dùng tới 30 ngày. Chỉ định dùng cho bệnh quáng gà, mắt mờ, khô da, trẻ con chậm lớn, người già yếu, vết thương lâu lành. Dùng cho trẻ em: 1-2 muỗng cà phê/ngày, chia làm 2 lần sáng chiều, nếu dùng cho người lớn thì liều dùng gấp đôi. Nếu dùng kéo dài da có thể hơi vàng, đó là do chất carotene, ngưng dùng thuốc vài ngày sẽ hết. Đối với vết thương lâu lành: rửa sạch vết thương, rồi dùng dầu gấc bôi lên vết thương 2 lần/ngày thì sẽ mau lành sẹo hơn.
Chế dầu từ nhân hạt gấc: bỏ vỏ cứng (giữ nguyên lớp vỏ lụa màu xanh, bọc nhân) rồi thái hoặc giã nhỏ, ngâm trong cồn 70 độ hay rượu mạnh, lắc đều vài chục phút sau có thể dùng. Dùng được cho tất cả vết thương bị bầm dập, tụ máu, bị mụn nhọt, quai bị, viêm tuyến vú... Cách dùng: lấy bông gòn tẩm rượu ngâm hạt gấc bôi lên vùng chấn thương sẽ làm dịu đau và các vết bầm tan khá nhanh. Đối với vết thương bị chảy máu (nhất là đứt tay, đứt chân): lấy bông tẩm rượu ngâm hạt gấc rịt vào, vết thương sẽ cầm máu và mau lành. Chú ý: Nhân hạt gấc còn gọi là Phiên mộc miết, theo Đông y có tính rất lạnh, ăn phải thì nguy hiểm.
Ngoài ra rễ cây gấc cũng được bà con ta dùng làm thuốc chữa chứng phong, tê thấp rất hiệu nghiệm. Cách làm: lấy rễ gấc rửa sạch, phơi khô, thái mỏng, ngâm rượu hay sắc uống. Ngâm rượu: Lượng rượu đủ ngập rễ gấc, lắc đều mỗi ngày 1 lần, sau 10-15 ngày có thể dùng được. Dùng mỗi ngày 1 ly nhỏ (50 ml) vào buổi tối. Sắc uống: rễ gấc khô 50 gr, đổ 300 ml, sắc còn 100 ml, chia làm 2 lần uống (sáng, tối).
Bài, ảnh: Bảo Trân ( báo Thanh Niên số 360 ngày 26/12/2007 )
tânrâu sưu tầm giúp Bạn
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|