Vietnam Single Tim Ban Bon Phuong  


HOME  -  FORUM  -  REGISTER  -  MY ACCOUNT  -  NEW  PHOTOS  -  BROWSE  -  SEARCH  -  POEM  -  ECARD  -  FAQ  -  NCTT  -  CONTACT



Diễn Đàn
 Những chủ đề mới nhất
 Những góp ý mới nhất
 Những chủ đề chưa góp ý

 
NCTT Những chủ đề mới nhất

NCTT Những góp ý mới nhất
NCTT Website


Who is Online
 

 

Forum > Việt ngữ, lịch sử, văn hóa >> Đình làng - Gương mặt kiến trúc Việt cổ

 Bấm vào đây để góp ý kiến

1

 nvdtdnguyen
 member

 ID 30851
 10/10/2007



Đình làng - Gương mặt kiến trúc Việt cổ
profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email -goi thu   Thong bao bai viet spam den webmaster  edit -sua doi, thay doi edit -sua doi, thay doi  post reply - goy y kien
Mỗi làng quê Việt Nam đều có một ngôi đình. Như là một ngôi nhà công cộng của làng quê thời xưa,Đình được dùng làmnơi thờ Thành Hoàng làng (vị thần bảo trợ của làng) và họp việc làng Đó là một ngôi nhà to, rộng được dựng bằng những cột lim tròn to thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Vì, kèo, xà ngang , xà dọc của đình cũng làm toàn bằng gỗ lim. Tường đình xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói mũi hài, bốn góc có bốn đầu đao cong. Vào mỗi dịp lễ, Tết, đình trở thành trung tâm văn hóa của làng mà ở đó, tất cả kho tàng văn hóa tích lũy từ đời này qua đời khác được thể hiện đầy đủ nhất.

Về mặt tạo hình, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, đình làng là gương mặt của nền kiến trúc Việt cổ. Nó không chỉ là công trình oai nghiêm và đồ sộ nhất trong khung cảnh làng quê Việt Nam nghèo nàn thời quân chủ, mà còn là nơi bảo tồn khá trọn vẹn những đặc điểm của nền kiến trúc dân tộc bởi ít phải chịu ảnh hưởng của kiến trúc ngoại sinh. Đặc biệt, qua một thời gian dài nghiên cứu, chắt lọc, người ta còn phát hiện từ đình làng một kho tàng những tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam mà sự khéo léo, tài tình của những người thợ được thể hiện trên từng nét vẽ, chạm khắc. Xét trên mặt bằng tổng thể, trước đình làng luôn là ao đình (tròn hoặc bán nguyệt), tiếp đến là sân đình với nhiều hàng cây cổ thụ. Đây là hai yếu tố quan trọng trước tiên tạo nên diện mạo đình làng mà các kiến trúc gia nước ngoài thường gọi là “nền kiến trúc họa cảnh”. Tòa đình chính (đại đình) thường là một căn nhà lớn lợp ngói mũi kiểu bốn mái xòe rộng ra ôm lấy đất. Thế nhưng, bốn tàu mái cao rộng đó không trở nên nặng nề nhờ bốn góc có bốn tầu đao cong vút như nâng các tàu mái bay bổng. Kiểu mái này chính là đặc điểm nổi bật của kiến trúc truyền thống Việt Nam, khác hẳn với kiểu tàu hộp hay giả tàu của nền kiến trúc Trung Hoa mà ta thường thấy trên hầu hết các mái nhà ở cố đô Huế.

Trước đình thường có một hồ nước trồng sen, hương thơm ngào ngạt. Đình làng còn là nơi trai thanh nữ tú trong làng đến để hẹn hò tình yêu. Ngôi đình làng Việt Nam cổ kính, trang nghiêm, ẩn mình sau lũy tre xanh mướt là một tác phẩm nghệ thuật của con người hòa nhập trong làng quê.

Kiến trúc đại đình có nét chung của nền kiến trúc gỗ phương Đông, dựa trên sự liên kết của các bộ vì. Sức nặng của tòa nhà do cột trong vì đảm nhiệm nên khi ấy, tường nhà không phải là cơ sở chịu lực mà chỉ làm nhiệm vụ ngăn che nắng mưa, gió bão. Tuy nhiên, khác với các dân tộc khác, kiến trúc đình làng Việt cổ là một không gian mở, mỗi khi làng có việc, cửa bích bàn bốn mặt đình được dùng làm bàn tiệc, khiến bốn mặt đình càng trở nên thông thoáng.

Khác với những kiến trúc tôn giáo khác, ngay ở những vị trí tôn nghiêm của đình làng, ta cũng có thể gặp hình tượng những đôi trai gái đùa ghẹo nhau hay đang tình tự... Từ thế kỷ XIX, điêu khắc đình làng hầu như không còn những cảnh sinh hoạt dân gian. Từ đây chỉ còn những hình trang trí hoa lá và phổ biến là hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Trong các đình thế kỷ XIX, thường có những bức cửa võng trước điện thờ được chạm trổ khá công phu.

Cột trong nền kiến trúc cổ Việt Nam đều được làm bằng gỗ nguyên cây, không có cột nối, không sơn vẽ và được liên kết với nhau bằng các kiểu khác nhau: kèo lẻ, con rường hoặc kết hợp của hai loại liên kết trên (thượng rường - hạ kẻ). Kiến trúc đình Việt Nam trước thời Nguyễn thường chỉ sử dụng hai kiểu liên kết: kèo lẻ và trên rường - dưới kẻ. Tuy nhiên, kiểu liên kết cổ nhất là kèo lẻ - một kiểu liên kết ta không thấy trong nền kiến trúc Trung Hoa.

Ở đình làng, chúng ta rất dễ nhận ra hầu hết các thành phần kiến trúc đều được chạm khắc trang trí. Ngoài các hình rồng, phượng, hoa lá, ta thường gặp trong nghệ thuật điêu khắc trang trí đình làng hình ảnh những ngày hội làng, những khung cảnh lao động nhọc nhằn hay bức vẽ thể hiện tình yêu mẹ con, chồng vợ và cả những lời lên án chế độ quân chủ hà khắc thời phong kiến. Tất cả những điều ấy là dấu ấn tuyệt vời cho các thế hệ mai sau hiểu và cảm được không khí sinh hoạt của cộng đồng làng xã thời xưa, đồng thời là bản sắc của nền kiến trúc cổ Việt Nam – một bản sắc văn hóa và lịch sử sâu sắc nhất.

Vào những ngày lễ, tết, dân làng đến đình thắp hương tế lễ nhộn nhịp, cầu mong Thành Hoàng và Trời Đất giúp cho mưa thuận gió hòa, cày cấy, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành. Mùa xuân đến, sân đình trở thành sân khấu hát chèo, hoặc để đấu vật, chọi gà, múa hát giao duyên. Xung quanh đình, thường có những câ đa cổ thụ vẫy gọi chim về làm tổ, ríu rít âm thanh, có giếng nước rộng trong vắt để làm nước ăn, nước uống và để các cô gái làng xinh đẹp đến soi gương làm duyên.


nvdtdnguyen (đã tham khảo một số tài liệu trên net)



Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
 

 nvdtdnguyen
 member

 REF: 233529
 10/10/2007

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai
Chạm lộng - di sản điêu khắc truyền thống


Điêu khắc đình làng Việt Nam là một di sản nghệ thuật bất hủ cùng với thành tựu đáng tự hào về kiến trúc của tổ tiên ta.

Trong suốt 4 thế kỷ (16 - 19) ngôi đình là sản phẩm thuần khiết gắn với văn hoá làng, hội tụ biểu tượng cao độ về đời sống vật chất và tinh thần của làng. Giá trị bất hủ của nó nằm ở thành tựu kiến trúc và điêu khắc Việt Nam, ở đó đã kế thừa và phát triển cao, độc đáo nghệ thuật điêu khắc truyền thống.

Theo các nhà nghiên cứu, đình làng có thể ra đời từ trong lòng xã hội Lê sơ, song hình mẫu hoàn chỉnh đạt giá trị kiến trúc nghệ thuật và còn để lại đến nay từ sớm nhất là thời Mạc mà nổi bật là đình Tây Đằng (Hà Tây), đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang). Khoảng chuyển của 2 thế kỷ 15 - 17 có đình Phù Lưu (Bắc Ninh) và nở rộ đạt tới đỉnh cao ở cuối thế kỷ 17, tiêu biểu với các đình: Phù Lão, Thổ Hà (Bắc Giang); Diềm (Bắc Ninh); Chu Quyến, Vân Đình (Hà Tây); Thổ Tang, Ngọc Canh (Vĩnh Phúc); Xốm (Phú Thọ); Hương Lộc (Nam Định); Chẩy (Hà Nam); Trà Cổ (Quảng Ninh); Kiền Bái (Hải Phòng)... Sang thế kỷ 18 - 19 đình làng xây dựng thưa thớt hơn, song cũng có đình được xây mới ở Thạch Lỗi (Hải Dương), Hồi Quan, Đình Bảng (Bắc Ninh); Hoành Sơn, Trung Cần (Nghệ An)...

Những ngôi đình này, tuỳ theo từng thời đại mà mức độ chạm khắc có khác nhau kỹ thuật khi chạm nông, lúc chạm nổi, kênh, bong, lộng... nhưng tất cả đều thể hiện tài nghệ của các nghệ nhân xưa vừa giỏi kiến trúc vừa tài hoa chạm khắc.

Tính uyển nhã và mộc mạc gần gũi chính là lý do để ngôi đình gắn bó với tâm hồn người Việt. Các phù điêu và chạm khắc trang trí đình làng là biểu tượng độc nhất vô nhị về truyền thống nghệ thuật của ông cha ta.

Một sáng tạo độc đáo của nghệ thuật đình làng không thể thấy ở kiến trúc cổ nào của Việt Nam là sự sắp xếp các phù điêu gắn vào khung gỗ chịu lực phía trên của đình. Phía trên các vì kèo và các xà ngang là nơi điêu khắc đình làng ngự trị. Nó gắn kết các cấu kiện gỗ ngang, dọc và chéo theo mái, lấp đầy các khoảng trống giữa các cấu kiện. Sự kết hợp tôn trọng và bổ sung cho kết cấu kiến trúc gỗ là đặc điểm thứ nhất của điêu khắc đình làng. Thứ hai là các bức phù điêu được chạm khắc một cách mạnh, đơn giản với quan niệm không gian thoải mái khác hẳn so với điêu khắc nơi chùa chiền hay cung điện.

Điêu khắc đình làng là sự tập trung và phát huy tột bậc các kỹ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam, trong đó chạm lộng là cách chạm khắc biểu cảm nhất có hiệu quả không gian và hiệu quả khối cao nhất. Đó gần như những pho tượng tròn, lồi hẳn ra, chồng chéo nhiều tầng lớp làm mất cảm giác về nền vốn có của phù điêu. Cả thân gỗ được đục khoét tạo các khoảng trống được luồn lách trong khối tượng. Điêu khắc và trang trí chạm lộng thường để mộc và hiện diện cuốn hút mới lạ nhất của nghệ thuật đình làng.

Chạm lộng có sự kế thừa và phát triển, là đỉnh cao của điêu khắc đình làng. Nhờ những sáng tạo của các nghệ nhân cừ khôi, chạm lộng đã tiến một bước tiến tạo nên sự độc đáo. Những biến hoá giàu ngôn ngữ điêu khắc đã làm cho chạm lộng tăng hiệu quả cảm thụ cởi mở, thông thoáng, đa chiều, tạo tương phản không gian sáng - tối, vừa giữ được bố cục thẩm mỹ, tính vững chắc về kết cấu, vừa tạo cảm giác nhẹ nhàng.

Chạm lộng là hình thức nghệ thuật mang tính kế thừa nghệ thuật điêu khắc truyền thống, sự phát triển ngày càng nhiều đình làng với quy mô ngày càng lớn đã đánh thức tiềm năng sáng tạo của những nghệ nhân dân gian trong việc đào luyện thể hiện tác phẩm tạo nên những hiệu quả thẩm mỹ mới, cảm thụ cao hơn trong không gian kiến trúc trang trí. Bởi vậy, điêu khắc chạm lộng chính là sự sáng tạo trong quá trình lao động nghệ thuật cùng với sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đương thời.

Chạm lộng nở rộ và phát triển khi đề tài được khai mở rộng rãi, giàu chất nhân văn, mang tính cộng đồng và dân chủ, ít màu sắc tôn giáo không chịu gò bó của qui phạm lễ nghi. Các phù điêu được đẩy lên cao dành không gian cho sinh hoạt, ánh sáng tự nhiên hắt mạnh từ nhiều phía. Từ những mảng chạm nông chuyển dần sang chạm bong, kênh với kỹ thuật chạm sâu vào bên trong khối gỗ, tạo thành nhiều lớp không gian mà dường như không còn khái niệm về nền. Đó là bước tiến ngoạn mục của chạm khắc truyền thống với những ưu thế: tạo chiều sâu không gian, hiệu quả tương phản sáng tối, có thể đục một, hai tầng tạo nên sự uyển chuyển sinh động, cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát mà không ảnh hưởng đến kết cấu công trình...

Lật dở lại lịch sử, những mảng chạm đình làng thế kỷ 17 đã vượt ra khỏi những quan niệm về khối nổi trên phù điêu. Kỹ thuật chạm lộng khoét sâu trong lòng thân gỗ, mảng chạm không còn cảm giác về nền mà uyển chuyển trong mối quan hệ sinh động về đời sống về sinh hoạt mang đậm phong vị dân gian và giàu tính lãng mạn.

Thủ pháp không gian, thời gian đồng hiện trong chạm lộng nhằm thể hiện nhiều hình ảnh, đề tài về cuộc sống thường ngày được coi là đặc trưng đậm nét của điêu khắc đình làng. Cái đẹp của tự nhiên, sự mộc mạc mang tính cởi mở, chứa đựng vẻ đẹp nhân hậu của tâm hồn khiến cho sự ''phi lý'' về tỉ lệ thông thường lại trở nên thuận lý nhờ tính phóng khoáng, mạnh mẽ mang lại cảm thụ mới mẻ chiêm nghiệm sâu lắng.

Ở đình Tây Đằng (Hà Tây) để diễn tả đời sống thường nhật, có cảnh chèo thuyền hái hoa, chèo thuyền uống rượu, trai gái tình tự, làm xiếc, gánh con, nhổ cây đẽo gỗ, đâm thú... Ở chùa Cói có cảnh dắt ngựa, cưỡi hổ báo... Tất cả đều biểu hiện giá trị điêu khắc đậm nét với các khối được diễn tả no căng, hình thức giản dị, khái quát cao. Ý nghĩa của đề tài, động tác và nghệ thuật đã vượt qua những phi lý của hình thể mang tính cách điệu nghệ thuật cao. Trong hoạt cảnh của đời sống xã hội đã mang hình thức tượng trưng với tỉ lệ không theo chuẩn mực có sẵn, tuy vậy vẫn thể hiện được bố cục sống động. Cách chạm tự nhiên thoải mái, rõ ràng đã tạo được một phong cách, không biểu lộ bài bản định sẵn mà vẫn giàu hơi thở cuộc sống.

Không gian đồng hiện ở điêu khắc đình làng là một kiến thức có tính Barốc gắn bó hữu cơ với kiến trúc, là một bộ phận của kiến trúc, không phải mang tính trang trí đơn thuần. Gắn chặt với kết cấu kiến trúc, chạm lộng chú trọng phương pháp thể hiện khái quát chủ yếu diễn tả nội dung, tạo điểm nhấn phóng dụ, bố cục luôn luôn chú ý sự liên hoàn giữa các nhân vật, giữa các bộ phận các mảng đặc, thủng được cân nhắc tạo sự hài hoà mềm mại nhưng vẫn đảm bảo sự vững chắc của bề mặt tác phẩm. Điêu khắc chạm lộng Việt Nam là sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc dân gian nó rất gần với phong cách Barốc. Tuy nhiên có nét rất riêng của Việt Nam không lệ thuộc vào công thức, khuôn sáo, tư duy được phát huy cao độ trong mọi khía cạnh. Ta thấy ở đình Hương Canh tầng trên chạm đám người đi săn cưỡi ngựa, cầm súng và khiêng lợn, tầng dưới chạm hai người cầm khiên đánh nhau, bên cạnh là một con rồng... Đình Xổm (Phú Thọ), đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc), đình Liên Hiệp (Hà Tây) có bức chạm đám đông người đi lên dốc theo độ chéo của kẻ và bẩy nối các đầu cột. Những ngôi đình này, cấu trúc cửa võng gian giữa thờ thành hoàng bị nhấn chìm bởi các bức chạm phát triển gần khắp các tuyến ngang bên trên cửa võng.

Nghệ sĩ làng bằng cảm hứng phong phú đã tìm thấy sự biến hoá của nhát đục chạm với những hiệu quả lớn về nghệ thuật, mang tính nhân văn sâu sắc (săn thú, đấu vật, đánh cờ, trai gái tình tự vui đùa, đám rước, tiên cưỡi rồng, phượng...). Nhìn vào cấu trúc ngôi đình, nếu chạm khắc “vàng son” ở gian giữa đã giàu biến tấu tự do, thì tại các gian bên, tài hoa ngẫu hứng của các nghệ nhân xuất sắc càng rộng đất nở rộ. Bởi vì trong đình, hầu như tất cả các mặt gỗ trừ cột và cân đầu, đều được đục chạm đủ dạng: Rường, xà, cốn, lá gió các thanh kẻ, bẩy, v.v… Các đầu dư phía trên cột các đầu bẩy, đầu kẻ dưới gờ mái, ván lá gió và các cốn cũng như ván lá đề, đều là đế gỗ rộng cho nghệ nhân thả sức tung hoành chạm khắc. Chạm lộng có mặt và phát triển cùng với những biến đổi của đời sống xã hội, tính dân tộc thể hiện đậm đà rõ nét ở dòng nghệ thuật dân gian. Những chạm lộng trong nhiều đình thuộc thế kỷ 16 và nửa cuối thế kỷ 17 sang đầu thế kỷ 18 thể hiện rất rõ xã hội Việt Nam và con người Việt Nam.

Người lao động Việt Nam và đặc biệt là các nghệ sĩ làng đã phá tung cái kỷ cương phong kiến nghiệt ngã để tự trang bị cho mình một hào quang đạo lý đầy tình thương, lòng nhân từ biểu hiện tâm hồn dân tộc “Phép vua thua lệ làng” nên những ngôi đình làng còn để lại cho hậu thế nhiều hình mẫu nghệ thuật, đề tài mang phong vị dân gian tươi trẻ, hóm hỉnh giàu nhân ái. Ở trong văn học, con rồng biểu tượng của uy quyền mất dần vẻ linh thiêng “vừa đi vừa đái vẽ nên rồng”, thì ở những phù điêu đình làng luôn thấy hình ảnh: rồng đàn, rồng ổ, rồng quấn quít cùng những con vật bình dân thạch sùng, lợn, khỉ, chó...

Đặc biệt hơn cả là hình ảnh con người, ở điêu khắc đình làng con người là trung tâm của nghệ thuật, đặc biệt là con người lao động luôn được khắc hoạ với dáng vẻ hồn nhiên, yêu đời: Trai gái yêu đương đàng hoàng tình tự (Đình Hương Lộc, Đình Phù Lão, Đình Phùng, Đình Đông Viên...); cảnh đi săn sảng khoái sinh động (Đình Giang Xá, Đình Liên Hiệp, Đình Hương Canh...); những cảnh đấu vật, bơi thuyền trong hội làng hào hứng (Đình Hoàng Xá, Đình Tây Đằng, Đình Liên Hiệp...); hay những tiên nữ mềm mại uyển chuyển trong điệu múa cổ (Đình Liên Hiệp, Đình Tây Đằng, Đình Giang Xá ). Tất cả đều mang bản sắc Việt Nam truyền thống. Hình chạm không cầu kỳ nhưng đầy sức sống. Dáng vẻ cốt cách tâm hồn của người Việt chuyển động, tàng ẩn trong từng nét chạm đục mạnh mẽ và tinh tế.

Có hiểu được những cảnh sinh hoạt trong thôn làng Việt Nam ngày xưa và có thấy được những công việc làm ăn của nhà nông thì mới thấu hiểu được tầm quan trọng của những ngày lễ hội đình đám, để đồng cảm với sản phẩm vô giá của các nghệ nhân làng. Chúng ta tìm thấy trên bức chạm tính cách của họ, tâm sự của họ, thấy vang vọng tiếng nói của quá khứ muôn màu.

Khi nhận định về điêu khắc dân gian thế kỷ 17 - 18 nhà nghiên cứu mỹ thuật - hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã có một nhận định mang tính khai mở sâu sắc: ''Cảnh tạo vật tự nhiên, mộc mạc, cuộc sống và những cuộc đấu tranh hàng ngày liền được biểu hiện với những hình ảnh giản dị, trực tiếp, người và cảnh vật trong đời sống bình thường được thể hiện trong nghệ thuật lấn át những con vật thần thoại và những nhân vật có tính ước lệ. Vào trong đình của mình, người nông dân rất thích thú được gặp lại trên những cột, những xà ngang, vì kèo, những cảnh tượng trong đời sống của bản thân biểu hiện những tình cảm chân chính của chính mình. Tác phẩm tuy vô danh vẫn bộc lộ cá tính của tác giả. Ảnh hưởng ngoại lai biến mất, nghệ thuật hoàn toàn mang tính dân tộc. Những tác phẩm ấy phản ánh tất cả vẻ đẹp, chứa đựng mọi hương thơm của quê hương và Tổ quốc. Những nhà điêu khắc ấy không chạm trổ theo mẫu mà theo cuộc sống, đi thẳng một cách hầu như tự nhiên vào tác phẩm nghệ thuật, giải phóng nghệ sĩ khỏi những quan niệm phong kiến thống trị ''.

Có thể hình dung rằng, với hàng trăm ngôi đình hàng ngàn mét phù điêu ta sẽ có một bức hoành tráng về đời sống làng Việt Nam. Các bức chạm nối tiếp nhau đan xen khung cảnh và đề tài với cách thức biểu cảm đặc sắc. Tất cả việc làng, chuyện làng, đời sống làng được các nghệ sĩ làng thể hiện tuỳ hứng.

Hình như không có phác thảo, ý đồ toàn cục nào về đề tài, yêu cầu hình thức thể hiện mà các nghệ sĩ được tự do xử lý không gian và đề tài. Sự không ràng buộc về nghệ thuật đã làm cho các nghệ sĩ phát huy được hứng khởi tài năng và sáng tạo nghệ thuật. Trong khuôn cảnh đình làng thường rộng, mái thấp, ánh sáng thường yếu, các nghệ sĩ làng đã chuyển sang đục sâu tạo hiện quả sáng tối gây cảm thụ thưởng ngoạn cao. Những mảng thủng trong điêu khắc chạm lộng đã tạo nhịp điệu, sự cân bằng về mặt thẩm mỹ trong tác phẩm. Để thực hiện phù điêu chạm lộng phải có tay nghề cao, biết tạo sự liên kết giữa phần gỗ nền và phần mặt tác phẩm.

Điêu khắc đình làng đến nay vẫn là niềm tự hào và sự ngưỡng mộ học hỏi của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam. Các danh hoạ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái... các nhà điêu khắc Phạm Gia Giang, Nguyễn Hải, Lê Công Thành... đều có những ảnh hưởng và trao đổi với vẻ tinh tuý của nghệ thuật chạm khắc đình làng. Đặc biệt đã có nhiều nhà điêu khắc ứng dụng sáng tác một số tác phẩm chạm lộng theo phương pháp truyền thống với đề tài nội dung mới kết hợp với mảng khối hiện đại gây ấn tượng.

Kho tàng chạm lộng quí giá đang được chúng ta đầu tư gìn giữ không chỉ là những hiện vật nằm sâu ở những ngôi đình còn lại, mà chính là sự kế thừa phát huy phẩm chất đặc sắc của chạm lộng trong điêu khắc đình làng. Sự hoà nhập văn hoá thời giao lưu mở cửa đã ít nhiều làm mờ đi những giá trị truyền thống. Nhưng bằng sức sống thuyết phục của mình giá trị điêu khắc đình làng và đặc biệt là chạm lộng vẫn đủ sức phát quang ánh sáng tồn tại.

Những biến đổi của bộ mặt nông thôn đã làm rơi rụng dần lớp lang văn hoá làng mà cấp bách chúng ta cần phải khôi phục gìn giữ và phát triển.

Nguồn thợ có tay nghề cao, nhiều ngẫu hứng sáng tạo còn tiềm ẩn, họ là nghệ sĩ làng, chính đội ngũ này sẽ duy trì và phát huy trữ lượng từ truyền thống để lại.

Trước thời đại các trào lưu nghệ thuật giao lưu hoà nhập, thì việc gìn giữ và phát huy xu hướng truyền thống mang phong cách dân tộc. Điêu khắc chạm lộng còn được khai thác một cách khiêm tốn. Cần phải khuyến khích loại hình này phát triển, trên cơ sở kế thừa phương pháp truyền thống kết hợp hình thức thể hiện hiện đại với nhiều nội dung mang tính thời đại và xã hội rộng lớn. Từ tinh thần đó, chạm lộng chính là di sản vô giá, mở rộng những giá trị truyền thống cho hôm nay và mai sau.


(Tài liệu sưu tầm)


 
  góp ý kiến

 
   

  Kí hiệu: : trang cá nhân :chủ để đã đăng  : gởi thư  : thay đổi bài  :ý kiến

 
 

 


Nhà | Ghi danh Thành Viên | Thơ | Hình ảnh | Danh Sách | Tìm | Diễn đàn | Liên lạc | Điều lệ | Music | Link | Advertise

Copyright © 2024 Vietnam Single & Tim ban bon phuong All rights reserved.
Hoc Tieng Anh - Submit Website Today - Ecard Thiep - Hot Deal Network