shiranai
member
ID 45372
09/05/2008
|
LUẬT THƠ ... CÁC KIỂU ... (*_*)
Tính là không mở topic này vì có vẻ " phong trào " quá , nhưng thấy còn mấy dạng thơ nữa chưa được mấy topic gần đây nhắc tới mà người đang muốn học thì bao giờ cũng " nhiệt tình , nhiệt huyết " nên..^^
Đây là một số luật thơ mà SH "sưu tầm - cắt - dán - &.. để đó " : Đường muối , Lục bát lục chén , 4,5,6,7,8 chữ , Song thất , tự do ....có cả . Đưa lên đây ai thấy thích khúc nào thì "xào" khúc đó .. riêng SH cứ vô tư ...sỏi đá , văn xuôi xuống dòng... biết đâu sau này .. đó lại là một phong cách ...hihihi
( SH xin lỗi một người vì đã phụ lòng anh hướng dẫn làm thơ )
Ai có ghé qua thấy hữu dụng thì xuống vài dấu chấm , kéo bài lên trên để người đến sau biết đâu sẽ xài đến ...
HAPPY TO ALL THI SỸ ! (*_*)
SH tạm chia thành các bài như sau , tiện cho những người quan tâm từng khúc ... ^^
BÀI 1 : THANH - ÂM - BẰNG - TRẮC - VẦN - NIÊM ...
BÀI 2 : THƠ 4 CHỮ
BÀI 3 : THƠ 5 CHỮ
BÀI 4 : THƠ 6 CHỮ
BÀI 5 : THƠ 7 CHỮ
BÀI 6 : THƠ 8 CHỮ
BÀI 7 : THƠ LỤC BÁT
BÀI 8 : THƠ TỰ DO
BÀI 9 : SONG THẤT LỤC BÁT
BÀI 10: THƠ ĐƯỜNG LUẬT - TỨ TUYỆT
BÀI 11: THƠ ĐƯỜNG LUẬT - BÁT CÚ
BÀI 12: CÁCH NGẮT BÁT CÚ THÀNH TỨ TUYỆT
BÀI 13: CÁC DẠNG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
BÀI 14: MƯỜI ĐIỀU KỴ TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
BÀI 15:......( Tới nơi rùi biết ) ......
*****
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
|
shiranai
member
REF: 388406
09/05/2008
|
BÀI 1 : LUẬT CHUNG (BẰNG - TRẮC - THANH - ÂM - VẦN - NIÊM ...)
Luật Thơ:
A) Định nghĩa: Luật thơ là cách sắp đặt tiếng bằng tiếng trắc trong các câu của một bài thơ.
B) Tiếng bằng và tiếng trắc: Muốn hiểu luật thơ, phải biết phân biệt tiếng bằng tiếng trắc. Bằng (chữ nho là bình) là những tiếng lúc phát ra bằng phẳng đều đều. Trắc (nghĩa đen là nghiêng, lệch) là những tiếng khi phát ra hoặc tự thấp lên cao hoặc tự cao xuống thấp.
Trong tiếng ta có 8 thanh thì có hai thanh bằng và 6 thanh trắc như sau:
Bằng:
Phù bình thanh = không có dấu
Trầm bình thanh = Huyền (`)
Trắc:
Phù thượng thanh = Ngã (~)
Trầm thượng thanh = Hỏi (?)
Phù khứ thanh = Sắc (')
Trầm khứ thanh = Nặng (.)
Phù nhập thanh = Sắc (') *
Trầm nhập thanh = Nặng (.)*
* Riêng cho các tiếng đằng sau có phụ âm c, ch, p, t.
C.) LUẬT BẰNG & LUẬT TRẮC : Thơ có thể làm theo hai luật:
1.) Luật bằng là luật thơ bắt đầu bằng hai tiếng bằng;
2.) Luật trắc là luật thơ bắt đầu bằng hai tiếng trắc.
Nếu lựa từ sao cho có âm và thanh tương hợp thì khi đọc lên sẽ nghe êm tai, ta gọi lời văn có vần. Hai tiếng vần với nhau khi có âm tương tự và có cùng thanh (hoặc là cùng bình thanh hoặc là cùng trắc thanh). Trong thơ, vấn đề hợp vần là điều cốt yếu. Sự phối trí âm thanh nhịp điệu là yếu tố cơ bản của thơ.
VẦN :
1. Vần bằng trắc :
a. Bằng : những chữ không dấu hoặc dấu huyền — hai, hài
b. Trắc: những chữ có dấu hỏi, ngã, sắc, nặng — hải, hãi, hái, hại
Tiếng bình không vần với tiếng trắc: hai không vần với hải.
Cùng trông mà lại cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng, ý thiếp, ai sầu hơn ai?
Những tiếng "thấy", "mấy" cùng phát ra một âm "ây" cùng gieo trắc thanh. Những tiếng "dâu", "màu", "sầu" có âm "âu" và "au" tương tự, cùng gieo bình thanh. Tất cả từng cặp một như thế gọi là vần với nhau.
2. Vần thể giàu hay nghèo:
a. vần giàu: những tiếng có cùng âm và thanh
Phương, sương, cường, trường — vần trắc giàu
Thánh, cảnh, lãnh, ánh — vần bằng giàu
b. vần nghèo: đồng thanh nhưng với âm tương tự
Minh, khanh, huỳnh, hoành — vần bằng nghèo
Mến, lẽn, quyện, hển — vần trắc nghèo
3. Trong thơ Việt, có 2 cách gieo vần
a. Gieo vần ở giữa câu:
Tiếng cuối của câu trên vần với một tiếng nằm bên trong câu dưới. Như trong thể thơ lục bát, tiếng cuối câu lục vần với tiếng 6 câu bát theo sau.
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không.
Nguyễn Du
b. Gieo vần ở cuối câu:
Các tiếng cuối câu vần với nhau.
VẦN TIẾP : các cặp trắc bằng xen kẽ tiếp nhau
Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm,
Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em.
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm,
Mà ánh sáng đều hòa cùng bóng tối.
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối;
Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành;
Mây theo chim về dãy núi xa xanh
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ.
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ.
Xuân Diệu
VẦN TRÉO : Trong thi đoạn bốn câu, tiếng cuối câu 1 vần với câu 3 và tiếng cuối câu 2 vần với câu 4.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Vũ Ðình Liên
Nhiều khi chỉ cần tiếng cuối câu 2 vần với câu 4 thôi.
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
Quang Dũng
VẦN ÔM : Trong thi đoạn bốn câu, tiếng cuối câu 1 vần với câu 4 và tiếng cuối câu 2 vần với câu 3. Vần trắc ôm vần bằng, hay ngược lại.
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Nguyên Sa
VẦN BA TIẾNG : Trong thi đoạn bốn câu, tiếng cuối câu 1, 2 và 4 vần với nhau. Câu 3 khác vần.
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Thâm Tâm
|
|
shiranai
member
REF: 388407
09/05/2008
|
BÀI 2 : THƠ 4 CHỮ
Nếu tiếng thứ 2 bằng thì tiếng thứ 4 trắc; ngược lại, tiếng thứ 2 trắc thì tiếng thứ 4 bằng.
2 4
trắc bằng
2 4
bằng trắc
Nhưng nhiều khi câu thơ cũng không theo luật đó.
Cách gieo vần
1. Vần tiếp (ít dùng)
Lính đóng ven rừng
Giữa mùa nóng nực
Uống cạn hố nước
Thấy toàn đầu lâu
Thịt rữa đi đâu
Còn xương trắng nhỡnTrần Đức Uyển
2. Vần tréo
Tôi làm con gái
Buồn như lá cây
Chút hồn thơ dại
Xanh xao tháng ngày
Nhã Ca
Người từ trăm năm
Về ngang sông rộng
Ta ngoắc mòn tay
Trùng trùng gió lộng
Nguyễn Tất Nhiên
3. Vần ôm
Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Phạm Thiên Thư
4. Vần ba tiếng (ít dùng)
Sao biếc đầy trời
Sầu trông viễn khơi
Ðêm mờ im lặng
Nhìn hạt sương rơi
Khổng Dương
Em là ánh trăng
Vừa biếc vừa xanh
Em là giấc mộng
Ðêm xuân của anh
Huyền Kiêu
|
|
shiranai
member
REF: 388408
09/05/2008
|
BÀI 3 : THƠ NĂM CHỮ
Cũng giống như thơ bốn chữ: nếu tiếng thứ 2 trắc thì tiếng thứ 4 bằng, hay ngược lại. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không phải vậy.
Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương
Nguyễn Nhược Pháp
CÁCH GIEO VẦN
1. Vần tréo
Hôm nọ em biếng học
Khiến cho anh bất bình,
Khẽ đánh em cái thước
Vào bàn tay xinh xinh
Nguyễn Xuân Huy
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Hàn Mặc Tử
2. Vần ôm
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
Lưu Trọng Lư
3. Vần ba tiếng bằng
Tuyết rơi mong manh buồn
Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng.
Cung Trầm Tưởng
Đưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Phất phơ đời sương gió
Hồn mình gần nhau chưa?
Nguyễn Tất Nhiên
|
|
shiranai
member
REF: 388410
09/05/2008
|
BÀI 4 : THƠ SÁU CHỮ
CÁCH GIEO VẦN
1. Vần tréo
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Đỗ Trung Quân
2. Vần ôm
Xuân hồng có chàng tới hỏi:
-- Em thơ, chị đẹp em đâu?
-- Chị tôi tóc xõa ngang đầu
Đi bắt bướm vàng ngoài nội
Huyền Kiêu
Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em tựa sát lòng anh
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh vông vàng bên suối
Đinh Hùng
|
|
shiranai
member
REF: 388411
09/05/2008
|
BÀI 5 : THƠ BẢY CHỮ
Trong thơ bảy chữ, vần những tiếng 1, 3 và 5 không kể. Tiếng 2, 4 và 6 có thể phân tích như sau:
2 4 6
bằng trắc bằng
2 4 6
trắc bằng trắc
Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người
Xuân Diệu
Nhiều khi không lại như thế:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Hàn Mặc Tử
CÁCH GIEO VẦN
1. Vần tréo (thường dùng)
Nhiều khi trong thi đoạn bốn câu, chỉ cần hai tiếng bình ở cuối câu hai và bốn vần với nhau, hai tiếng trắc cuối câu một và ba không cần:
Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,
Tuổi hai mươi đến, có ai ngờ!
Một hôm trận gió tình yêu lại:
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.
Huy Cận
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
Tô Thùy Yên
2. Vần ba tiếng bằng (thường dùng)
Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng,
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.
Huy Cận
Dĩ vãng nào xanh như mắt em?
Chao ôi! Màu tóc rợn từng đêm!
Hàng mi khuê các chìm sương phủ
Vời vợi ngàn sao nhạt dáng xiêm.
Đinh Hùng
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Quang Dũng
----------------------
|
|
shiranai
member
REF: 388413
09/05/2008
|
BÀI 6 : THƠ TÁM CHỮ
Thể thơ này không có quy luật nhất định, có nghĩa là vần điệu tự do hơn. Thường thì trong câu ở cuối có tiếng trắc thì tiếng 3 trắc, tiếng 5 và 6 bằng; ở cuối có tiếng bằng thì tiếng 3 bằng, tiếng 5 và 6 trắc. Nhưng nhiều lúc cũng không như thế.
CÁCH GIEO VẦN
1. Vần tiếp
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Tôi sẽ trách -- cố nhiên -- nhưng rất nhẹ;
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...
Hồ Dzếnh
2. Vần tréo
Hai đứa kéo nhau chạy vào mộng mị
Giờ tắt thở nằm trên bãi hư vô
Bầy ngựa chứng hàng thùy dương vó bão
Gió đưa trăng lăn vào đá tiếng ru
Tô Thùy Yên
Em sẽ chết với mảnh hồn trống đó
Chúa đứng đón em ở cửa thiên đường
Con trả chúa trái tim hồng lãng mạn
Dưới thế gian con dại dột cho chàng
Trần Mộng Tú
3. Vần ôm
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím.
Nguyên Sa
Không có em, chắc ngày mai anh chết
Anh sẽ buồn, sẽ kết tội trần gian
Nắng sẽ phôi pha, hoa sẽ úa tàn
Cây thành phố hai hàng giăng nước mắt
Vũ Thành
Muốn cho thơ tám tiếng thêm âm điệu, một số nhà thơ thường vần tiếng 8 câu trên với tiếng 5 hay 6 câu dưới:
Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng, uất hận gối lên nhau
Cao Tần
-----------------------
|
|
shiranai
member
REF: 388414
09/05/2008
|
BÀI 7 : THƠ LỤC BÁT
Lục bát là thể thơ đặc biệt của Việt Nam, mà truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu nhất. Vần thơ lục bát có thể phân tách như sau:
2 4 6
bằng trắc bằng
2 4 6 8
bằng trắc bằng bằng
Tiếng thứ 6 của câu lục vần với tiếng thứ 6 của câu bát. Tiếng thứ 8 của câu bát vần với tiếng thứ 6 của câu lục tiếp theo. Trong câu bát, tiếng 6 và 8 tuy cùng vần bình nhưng một tiếng có dấu huyền và một tiếng không có dấu.
Thôn đoài ngồi nhớ thôn Ðông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Nguyễn Bính
Bỗng dưng buồn bã không gian
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u
Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.
Huy Cận
Có hai ngoại lệ trong thơ lục bát:
1. Tiếng thứ 2 câu lục có thể là trắc, khi ấy nhịp thơ ngắt ở giữa câu.
Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa, ào ào như sôi.
Nguyễn Du
2. Tiếng cuối câu lục có thể vần với tiếng 4 câu bát, khi đó tiếng 2 và 6 của câu bát sẽ đổi ra trắc. Câu thơ sẽ ngắt nhịp ở giữa câu bát, như trong câu ca dao sau:
Đêm nằm gối gấm không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em.
-----------------------
|
|
shiranai
member
REF: 388415
09/05/2008
|
BÀI 8 : THƠ TỰ DO ( Bát Ngôn )
Thơ TD có tất cả 4 cách làm , và Luật Bất Luận của thơ TD là ( Nhất Nhị Tứ bất luận ) , (Tam , Ngủ , Bát phân minh ) , nhưng thể thơ nầy ít có nhiều người theo luật lắm và được cải tiến nhiều ( vì nó được gọi là Tự Do ) nên sau nầy chỉ chú trọng khi viết chỉ cần giữ luật NIÊM VẦN là đủ
1. CÁCH 1 :
Câu 1 và câu 3 phải giống nhau về luật BT và niêm Vần với nhau ở chữ cuối, Câu 2 và câu 4 cũng thế, nghĩa là chữ cuối phải vần (niêm) với nhau ! khi sang đoạn khác thì cũng như thể Trường Thiên (nhiều đoạn ) mình có thể đổi vần tuỳ thích
Luật Bằng Trắc trong thể thơ TỰ DO :
ttTbBBTT (Niêm )
bbBtTTBB (niêm )
ttTbBBTT (Niêm)
bbBtTTBB (niêm )
Lỡ thương bé nên ngày đêm trộm NHỚ
Câu yêu đương anh khó thốt nên Lời
Ôi giấc mộng miên mang đầy nổi sợ
Tình đơn phương cay đắng lệ thầm RƠI
2. CÁCH 2 :
Trong cách này thì 2 câu trên Vần Trắc (niêm) 2 câu dưới Vần Bằng và cũng niêm với nhau
ttTbBBTT (niêm )
ttTbBBTT (niêm)
bbBtTTBB (niêm )
bbBtTTBB (niêm)
Đơn bóng lẽ bao năm dài cách biệt
Niềm thầm kín xót xa ai có biết
Tình trái ngang đè nặng nổi thương tâm
Cố nhân ơi... lạnh lẽo bước thăng trầm ........
3. CÁCH 3 :
Cách nầy luật cũng như cách 1 và 2 , tuy nhiên câu 2 và câu 3 bắt buộc phải niêm nhau, còn câu 1 và 4 thì không đòi hỏi , cách nầy thì thường được viết nhiều nhất và khi mình viết nhiều đoạn thì câu 5 phải Niêm Luật và Vần với chử cuối câu 4 , và câu 9 niêm Luật và Vần với chử cuối câu 8 , and so on...
ttTbBBTT
bbBtTTBB (niêm )
bbBtTTBB (niêm)
ttTbBBTT
Tôi thoáng nhớ một thời yêu màu trắng
Trước cổng trường khi nhạt nắng chiều buông
Từng cánh hoa ngơ ngác mắt nai buồn
Tay cắp sách phất phơ muôn tà áo
Hồi tưởng lại một chuyện tình huyền ảo
Giữa Hạ buồn trong tháng Sáu vàng hanh
Yêu một nàng con gái tuổi xuân xanh
Tà áo lụa nét hiền lành thôn nữ
Dáng bé bỏng mắt thẹn thùng bỡ ngỡ
Cánh Phượng hồng ,xác Ve nhỏ trao nhau
Rồi mỗi khi trông lá đổ khoe màu
Ru nho nho? bài mưa sầu tháng sáu
........
4. CÁCH 4 :
Luật Bằng
Cách này thì câu 1 và câu 4 là vần BẰNG , câu 2 và câu 3 vần TRẮC và niêm nhau ! khi làm thì phải từ 4 đoạn trở lên và chỉ giữ một vần Bằng trong khi mình viết Nhiều Đoạn...
bbBtTTBB
ttTbBBTT (niêm)
ttTbBBTT (niêm)
bbBtTTBB
bbBtTTBB
ttTbBBTT (niêm)
ttTbBBTT (niêm)
bbBtTTBB
........
........
Hiểu gì không ý nghĩa của lòng anh
Ôm mật đắng với niềm đau nghẹn Xót
Em có thể ban lời yêu thật Ngọt
Sưởi tim nầy dù chỉ một lần thôi
Để ấm lòng an ũi trái tim côi
Dù xa cách vẫn tràn đầy hạnh phúc
Nầy em hởi có bao giờ thổn thức
Thả hồn mình theo tiếng gọi con tim ....
-------------
|
|
shiranai
member
REF: 388416
09/05/2008
|
BÀI 9 : SONG THẤT LỤC BÁT
Cũng như LỤC BÁT, SONG THẤT LỤC BÁT thường được dùng trong
những truyện thơ, và là thể loại thứ hai của hai thể thơ
"chính tông" của Việt Nam.
Song Thất Lục Bát là loại thơ mở đầu bằng hai câu THẤT, rồi tiếp đến hai câu LỤC BÁT, tạo thành một KHỔ với ý từ
trọn vẹn (có nghĩa là trong 4 câu phải trọn vẹn một ý)
Câu THẤT trên (câu số 1), tiếng thứ 3 là chữ TRẮC, tiếng
thứ 5 là chữ BẰNG, và tiếng thứ 7 là chữ TRẮc và VẬN
Câu Thất dưới (câu số 2), tiếng thứ 3 là chữ BẰNG, tiếng
thứ 5 là chữ TRẮC và VẦN với tiếng thứ 7 của câu trên, tiếng thứ 7 là chữ BẰNG và VẬN
Song Thất Lục Bát không giống như Thất Ngôn Luật theo lối Hán văn, vì luật BẰNG TRẮC được áp dụng trong Song Thất ở chữ thứ 3, thứ 5, mà trong Thất Ngôn Luật thì chữ thứ 3 và chữ thứ 5 lại có thể theo lệ BẤT LUẬN
Sau hai câu Thất là hai câu Lục Bát, theo luật của Lục Batchữ cuối của câu LỤC vần với chữ thứ 7 của câu THẤT thứ nhì
LUẬT CỦA STLB:
b b t t B b T(v)
t t B b T(v) t B(v)
b B t T b B(v)
b B t T b B(v) t B(v)
(v)=Vần
b = bằng ,không nhất thiết
t = trắc ,không nhất thiết
B = BẰNG , theo luật
T = TRẮC ,theo luật
Thuở trời đất nổi cơn gió Bụi
Khách má hồng nhiều nổi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Nào ai gây dựng cho nên nổi nầy
Trống trường Thành lung Laybóng Nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ Mịt khúc Mây
Chín tầng gươm báu trao Tay
Nữa đêm truyền hịch đợi Ngày xuất Chinh
(Chinh Phụ Ngâm Khúc)
---------------------------------------------------
ĐIỀU NGOẠI LỆ CỦA STLB :
ĐIỀU NGOẠI LỆ: Thông thường chữ thứ 3 của câu Thắt 1) là vần TRẮC, nhưng trong trường hợp dùng vần BẰNG thì phải có đối ở câu dưới
Thí Dụ đoạn hai của bài trên :
Trống trường Thành lung Lay bóng Nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ Mịt khúc Mây
Chín tầng gươm báu trao Tay
Nữa đêm truyền hịch đợi Ngày xuất Chinh
thì ta thấy hai câu 7 7 trên được đối nhau từng từ từng chữ
* Thí dụ thêm về thơ STLB:
Giấc Mơ Viễn Xứ
Non nước ấy bao giờ trở lại
Để con đây được mãi bên người
Mẹ già lệ đẩm đôi ngươi
Ôm con ve vuốt nụ cười điểm môi
Bờ liễu rũ con ngồi kể chuyện
Bao năm dài lưu luyến quê hương
Tấm lòng một kẽ tha phương
Năm canh ,sáu khắc đoạn trường xót xa
Ôi ước vọng ngắm tà dương xế
Thả hồn mình trên bể hoàng hôn
Trông chiều khói phủ làng thôn
Đếm chuông ngân vọng gõ mồn một vang
Bước chân nhẹ bên hàng phượng vĩ
Ngắm trường làng ôn kỹ niệm xưa
Dầm mình nhẹ gót dưới mưa
Nhớ hồi cấp sách sớm trưa thuở nào
Cầu tre ấy biết bao kỹ niệm
Dòng sông kia như mĩm cười rung
Nhăn mày ẩn chiếu linh lung
Lờ mờ đáy nước bóng khung trời già
Chợt tỉnh giấc hồn đà nhập thể
Nghe đâu đây tiếng dế gọi nhau
Thì ra trống điểm canh thâu
Giấc mơ viễn xứ đêm sâu lở làng
Nam Quan kia phải đang lạnh ngút
Bắc Ải nầy đến lúc giá băng
Lòng quê lệ thảm khó ngăn
Mong sao đất Việt vĩnh hằng thiên thu
-------------
|
|
shiranai
member
REF: 388420
09/05/2008
|
BÀI 10 : THƠ ĐƯỜNG LUẬT - TỨ TUYỆT
Đường Luật hoặc cận thể là thể thơ đặt ra tự đời nhà Đường (618-907) phải theo niêm luật nhất định.
Thơ tứ tuyệt và thơ bát cú: Theo số câu, thơ Đường Luật chia làm hai lối.
- 1.) Tứ tuyệt, mỗi bài bốn câu;
- 2.) Bát cú, mỗi bài tám câu;
THƠ TỨ TUYỆT
Định nghĩa: Tứ là bốn, tuyệt là dứt, ngắt. Lối này gọi thế vì thơ tứ tuyệt là ngắt lấy bốn câu trong bài thơ bát cú mà thành.
Các cách làm thơ tứ tuyệt: Vì một bài thơ bát cú có thể ngắt nhiều cách, nên cũng có nhiều cách làm thơ tứ tuyệt
thơ tứ tuyệt làm theo cấu trúc khai-thừa-chuyển-hợp, mỗi câu bảy chữ, không yêu cầu đối. Chữ cuối của các câu 1, 2, 4 thường là vần bằng. Chữ cuối của câu 3 có thể vần trắc, cách niêm như thơ thất ngôn bát cú. Ngày nay người ta sửa đổi định nghĩa về thơ tứ tuyệt, rằng thơ tứ tuyệt là thơ gì cũng được, miễn là có bốn câu, và vần luật tất nhiên cũng theo đó mà thay
Người ta nói thể thơ này dựa theo cấu Nhất Tam Ngũ bất luận ,Nhị Tứ Lục Phân Minh nghĩa là chữ thứ 1,3,5 trong các câu thì không phải bắt buộc theo luật,còn chữ thứ 2,4,6 thì phải theo qui luật của nó ,
Luật căn bản của TNTT :
( các chử viết thường là không cần phải theo luật , còn các chử In Hoa thì bắt buộc
BẢNG 1 :
b B t T t B B(V)
t T b B t T B(V)
t T b B b T T
b B t T t B B(V)
Nhớ
Song thưa gió lộng buốt mây trùng
Chạnh nhớ ai mà mắt lệ rưng
Soi mãi đài gương ngồi dựa bóng
Ba Thu chưa thoả mộng tương phùng
BẢNG 2 :
t T b B t T B
b B t T t B B
b B t T b B T
t T b B t T B
Trong vắt trời non suốt một màu
Trên sông cài lững ánh trăng cao
Làm sao hái được vành trăng ấy
Để tặng cho riêng khách má đào
TTT...
BẢNG 3 :
b B t T b B T
t T b B t T B
t T b B b T T
b B t T t B B
Đêm tàn lệ gối phai hương sắc
Nến lụn chập chờn gió thoảng qua
Cửa ngọc rèm thưa lay ánh nguyệt
Thầm ngồi soi bóng , bóng soi ta
BẢNG 4 :
B T b B b T T
b B t T t B B
b B t T b B T
t T b B t T B
Trời đất vô tình buông lặng lẽ
Núi sông hờ hững nặng nề trôi
Đêm khuya thanh vắng thuyền ai rẽ
Người ở giang đầu có nhớ tôi
TTT...
Chú ý trong bảng 3 va `4 thì hai vần Trắc không đòi hỏi phải niêm nhưng nếu làm được hai vần trắc niêm thì càng hay
Ở trên chỉ là căn bản của phần 1, bây giờ cũng áp dụng
luật căn bản nầy nhưng làm theo vần Trắc nghĩa là lấy vần Trắc làm căn bản
BẢNG 1 :
t T b B b T T
b B t T b B T
b B t T t B B
t T b B b T T
Năm tháng buông dần theo đuỗi mãi
Tương tư ảo mộng sao phân giãi
Vào yêu mới rõ được thương đau
Mới hiểu sóng tình cuồn cuộn chảy
TTT...
BẢNG 2 :
b B t T b B T niêm
t T b B b T T niêm
t T b B t T B
b B t T b B T niêm
Quanh co mấy chử buồn buồn ngũ
Trắc trắc bằng bằng sao khó thủ
Ít nét mà thôi đả hết rồi
Thơ gì viết mãi mà chưa đủ
TTT...
BẢNG 3 :
t T b B t T B
b B t T b B T niêm
b B t T t B B
t T b B b T T niêm
Gió lộng bên thềm quét lá rơi
Khuya nay bóng nguyệt không thèm ghé
Thương người chốn ấy biệt ngàn khơi
Mắt dõi theo chàng đêm bóng lẽ
TTT...
BẢNG 4 :
b B t T t B B
t T b B b T T niêm
t T b B t T B
b B t T b B T niêm
Dờn dờn nước biếc gợn mây bay
Lất phất gió lùa lay khóm trúc
Đáy nước lung linh bóng nguyệt cài
Vui say chén rượu bừng hương cúc
-----------------
|
|
shiranai
member
REF: 388423
09/05/2008
|
BÀI 11 : THƠ ĐƯỜNG LUẬT - BÁT CÚ
Trong lối thơ Đường Luật, có năm điều này phải xét:
I.) vần; II.) đối; III.) luật; IV.) niêm; V.) cách bố cục.
I/ VẦN :
A) Định nghĩa: Vần (chữ nho là vận) là những tiếng thanh âm hòa hiệp đặt vào hai hoặc nhiều câu văn để hưởng ứng nhau.
B) Cách gieo vần:
1.) Thơ Đường: luật thường dùng vần bằng, gián-hoặc mới dùng vần trắc.
2.) Suốt bài thơ Đường Luật chỉ hiệp theo một vần, tức là theo lối độc vận.
3.) Trong một bài bát cú có năm vần gieo ở cuối câu đầu và cuối các câu chẵn.
C.) Lạc vận và cưỡng áp: Gieo vần sai hẳn, không hiệp nhau gọi là lạc vận (lạc: rụng). Nếu vần gieo gượng không được hiệp lắm gọi là cưỡng áp (đặt gượng), đều không được cả.
II/ ĐỐI (Phép đối trong thể thơ ):
Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau.
1.) Đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
2.) Đối chữ thì vừa phải đối thanh tức là bằng đối với trắc, trắc đối với bằng; vừa phải đối loại của chữ nghĩa là phải đặt hai chữ cùng một tự loại để đối với nhau (như cùng là hai chữ danh từ, hoặc động từ, v.v.)
3.) Những câu phải đối trong một bài thơ bát cú: Trừ hai câu đầu và hai câu cuối, còn bốn câu giữa thì câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6.
III/ LUẬT
Ngay liệt kê các luật thơ thông dụng như sau (b = tiếng bằng; t = tiếng trắc; v = tiếng vần; những chữ in lối chữ nghiêng là phải theo đúng luật; những chữ in thường thì theo đúng luật hoặc không theo đúng luật cũng được, theo cái lệ "bất luận" sẽ nói về sau):
A. Vần bằng
1.Ngũ ngôn bát cú
I : b b t t b (v) t t t b b (v)
II. : t t t b b (v) b b t t b (v)
III : t t b b t b b b t t
IV : b b t t b (v) t t t b b (v)
V : b b b t t t t b b t
VI : t t t b b (v) b b t t b (v)
VII : t t b b t b b b t t
VIII : b b t t b (v) t t t b b (v)
2. Thất ngôn bát cú
I : b b t t t b b (v) t t b b t t b (v)
II : t t b b t t b (v) b b t t t b b (v)
III : t t b b b t t b b t t b b t
IV : b b t t t b b (v) t t b b t t b (v)
V : b b t t b b t t t b b b t t
VI : t t b b t t b (v) b b t t t b b (v)
VII : t t b b b t t (v) b b t t b b t
VIII : b b t t t b b (v) t t b b t t b (v)
B. Vần trắc
Ngũ ngôn bát cú / Thất ngôn bát cú
I : b b b t t (v) t t b b b t t (v)
II : t t b b t (v) b b t t b b t (v)
III : t t t b b b b t t t b b
IV : b b b t t (v) t t b b b t t (v)
V : b b t t b t t b b t t b
VI : t t b b t (v) b b t t b b t (v)
VII : t t t b b b b t t t b b
VIII : b b b t t (v) t t b b b t t (v)
C. Bất luận và khổ độc:
Vì sự theo đúng luật bằng trắc như trên đã định là một việc rất khó, nên có lệ bất luận (không kể), nghĩa là trong câu thơ có một vài chữ không cần phải đúng luật.
1.) Trong bài thơ ngũ ngôn thì chữ thứ nhất và thứ ba không cần đúng luật: tức nhất, tam bất luận.
2.) Trong bài thơ thất ngôn thì chữ thứ nhất, thứ ba và thứ năm không cần đúng luật: tức là nhất, tam, ngũ bất luận.
Tuy theo lệ bất luận có thể thay đổi luật mấy chữ trong câu thơ, nhưng đang trắc mà đổi ra bằng bao giờ cũng được, chứ đang bằng mà đổi ra trắc thì trong vài trường hợp sự thay đổi ấy làm cho câu thơ thành ra khổ độc (khó đọc) không được. Những trường hợp ấy là:
1.) Trong bài thơ ngũ ngôn, chữ thứ nhất các câu chẵn và chữ thứ ba của các câu đang bằng mà đổi ra trắc là khổ độc.
2.) Trong bài thơ thất ngôn, chữ thứ ba các câu chẵn và chữ thứ năm các câu lẻ đang bằng mà đổi ra trắc là khổ độc.
D. Thất luật:
Một câu thơ đặt sai luật nghĩa là một chữ đang bằng mà đổi ra trắc hoặc trái lại, thế thì gọi là thất luật (sao mất luật) không được.
IV/ NIÊM
A) Định nghĩa: Niêm (nghĩa đen là dính) là sự liên lạc về âm luật của hai câu thơ trong bài thơ Đường Luật. Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, thành ra bằng niêm với bằng trắc niêm với trắc.
B) Những câu niêm với nhau trong một bài thơ bát cú: Trong một bài thơ bát cú (xem lại biểu các luật thơ trên) những câu sau này niêm với nhau: 1 với 8. - 2 với 3. - 4 với 5. - 6 với 7. - 8 với 1.
C) Thất niêm: Khi các câu trong một bài thơ, vì sự đặt sai, không niêm với nhau theo lệ đã định; thì gọi là thất niêm (mất sự dính liền) không được.
V/ BỐ CỤC
Một bài thơ bát cú có bốn phần.
1.) Đề gồm có phá đề (câu 1) là mở bài và thừa đề (câu 2) là nối câu phá mà vào bài.
2.) Thực hoặc trạng (hai câu 3 và 4) là giải thích đầu bài cho rõ ràng.
3.) Luận hai (câu 5 và 6) là bàn bạc cho rộng nghĩa đầu bài.
4.) Kết (hai câu 7 và 8) là tóm ý nghĩa cả bài mà thắt lại.
----------------
|
|
shiranai
member
REF: 388425
09/05/2008
|
BÀI 12 : MỘT SỐ CÁCH NGẮT BÁT CÚ THÀNH TỨ TUYỆT :
1.) Ngắt bốn câu trên, thành ra bài thơ ba vần, hai câu trên không đối nhau, hai câu dưới đối nhau.
Con Voi
(So sánh với biểu Thất ngôn bát cú, luật bằng, vần bằng ở trên.)
Xông pha bốn cõi bể chông gai,
Vùng vẫy mười phương bụi cát bay.
Phép nước gọi là tơ chỉ buộc, *
Sức này nào quản búa rìu lay. *
Lê Thánh Tôn (?)
* = đối nhau.
2.) Ngắt bốn câu giữa, thành ra bài thơ 2 vần, cả bốn câu đối nhau.
Khóm Gừng Tỏi
(So sánh với biểu Ngũ ngôn bát cú, luật bằng, vần bằng ở trên)
Lởm chởm vài hàng tỏi *
Lơ thơ mấy khóm gừng *
Vẻ chi là cảnh mọn #
Mà cũng đến tang thương # Ôn Như hầu
*, # = đối nhau.
3.) Ngắt bốn câu dưới, thành ra bài thơ 2 vần, hai câu trên đối nhau, hai câu dưới không đối.
Đề Chùa Vô Vi (So sánh với biểu Ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng ở trên)
Vắt vẻo sườn non Trạo, *
Lơ thơ mấy ngọn chùa. *
Hỏi ai là chủ đó?
Có bán tớ xin mua
Vô Danh
* = đối nhau.
4.) Ngắt 2 câu đầu và 2 câu cuối, thành ra bài thơ 3 vần, cả 4 câu không đối.
Cái Pháo
(So sánh với biểu Thất ngôn bát cú, luật bằng, vần bằng ở trên)
Xác không, vốn những cậy tay người,
Bao nả công trình, tạch cái thôi!
Kêu lắm, lại càng tan tác lắm,
Thế nào cũng một tiếng mà thôi.
Nguyễn Hữu Chỉnh
5.) Ngắt hai câu 1-2 với hai câu 5-6, thành ra bài thơ 3 vần hai câu cuối đối nhau.
Con Cóc
(so sánh với biểu Thất ngôn bát cú, luật trắc, vần bằng ở trên)
Bác mẹ sinh ra bốn áo sồi,
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Tép miệng năm ba con kiến gió, *
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời. *
Lê Thánh Tôn
( Sử dụng tài liệu của Dương Quảng Hàm )
---------------------------
|
|
shiranai
member
REF: 388426
09/05/2008
|
BÀI 13 : NHỮNG DẠNG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
( Theo Bồ Tùng Linh )
1 - Họa Vận
Một người làm một bài xướng lên, một người nữa làm bài khác họa lại mà các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng, còn ý nghĩa hoặc phụ theo cho rộng,hoặc trái hẳn lại ( phản đề ) :
Hỏi Ả Bán Chiếu
Xướng :
Ả ở đâu nay bán chiếu gon ?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn ?
Xuân thu nay độ bao nhiêu tuổi ?
Đã có chồng chưa được mấy con ?
Nguyễn Trãi
Họa :
Tôi ở Tây hồ bán chiếu gon .
Nỗi chi ông hỏi hết hay còn ?
Xuân thu tuổi mới trăng còn lẻ ,
Chồng còn chưa có,có chi con !
Nguyễn thị Lộ
2. Thủ nhất thanh ( nhất đồng ) :
Từ đứng đầu 8 câu đều giống nhau.
Tám Mừng
Mừng đón xuân về, muôn sắc hoa,
Mừng xuân,xuân mới, mới thêm ra.
Mừng nghe nhựa sống, như còn trẻ,
Mừng thấy đời tươi, chửa muốn già.
Mừng khỏe đôi chân, đi đứng vững,
Mừng tinh cặp mắt ngắm nhìn xa.
Mừng nhau tuổi Thọ tăng tăng mãi,
Mừng được trường xuân hưởng thái hòa.
1986 Lạc Nam
3-Song điệp
Tất cả 8 câu đều có 2 điệp từ :
Chuyện Đời
Vất vất vơ vơ, cũng nực cười,
Căm căm cúi cúi có hơn ai .
Nay còn chị chị anh anh đó ,
Mai đã ông ông mụ mụ rồi.
Có có không không, lo hết kiếp
Khôn khôn dại dại, chết xong đời.
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy,
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi.
Nguyễn Công Trứ
4-Song điệp độc vận
Tất cả 8 câu đều có 1 từ và chỉ có 1 vần.
Xuân Và Thơ
Xuân tự ngàn xưa,bạn với Thơ
Tình Xuân là cả vạn lời Thơ
Đẹp duyên hoa bút,Xuân ngời sắc
Rộn khúc Xuân thiều,nhạc ánh Thơ.
Xuân vắng,oanh hờn,dầu dáng liễu
Xuân về hương tỏa ngát lời Thơ
Xuân nương, thi sĩ, đôi người ngọc,
Dệt mộng ngày Xuân, lộng ý Thơ.
Lạc Nam
5-Dĩ đề vi thuû
Lấy 8 từ đầu để mở đầu cho 8 câu thơ :
Xướng (Nam):
"Trăm điều hãy cứ trông vào một ta"
Trăm nỗi bâng khuâng góp chuyện lòng
Điều chi mà ngại nghĩa non sông
Hãy buông lá thắm xuôi dòng vắng
Cứ để hoa đào cợt gió đông
Trông nẽo lầu thơ chờ hạnh ngộ
Vào trong giấc mộng đợì tao phùng
Một phen tâm sự hòa theo nhạc
Ta sẽ cùng nhau viết thỉ chung
Họa (Nữ) :
"Đi đâu chẳng biết con người sở khanh"
Đi mãi đường xa đã biết lòng
Đâu còn mơ tưởng núi cùng sông
Chẳng đem thơ ấy treo lầu vắng
Biết chọn hoa nào bán chợ đông
Con mắt chưa từng xanh thế tục
Người quen đành tạm trắng tương-phùng
Sở Tần, xin nhắn thà xa cách
Khanh tướng đâu mà nghĩ đỉnh chung !
6-Dĩ đề vi vận
Lấy đầu đề làm vần
Không Chồng Trông Bông Lông
Xướng :
Bực gì bằng gái chực phòng không
Tơ tưởng vì chưng một tấm chồng,
Trên gác rồng mây ngao ngán nhẽ,
Bên trời cá nước ngẩn ngơ trông.
Mua vui lắm lúc cười cười gượng,
Giả dại nhiều khi nói nói bông.
Mới biết có chồng như có cánh,
Giang sơn gánh vác nhẹ bằng lông.
Nguyễn Khuyến
Họa Vận :
Phật rằng sắc sắc không không ,
Sắc sắc không không khó chất chồng.
Ân oán,nhiều người còn có ngóng,
Trải oan,lắm kẻ vẫn chờ trông.
Thế gian,nhân quả nhanh như bóng,
Cõi Phật,nhân duyên nhẹ tựa bông.
Xuân đến hoa xuân tươi đẹp mãi,
Luân hồi ra khỏi,hết bông lông.
Cổ Lai Hy (nhóm Silicon)
7-Toán thi
Cả bài câu nào cũng có từ chỉ con số.
Thân Phận Gái
Một sớm phân vân bước xuống thuyền,
Tưng bừng hai họ,nỗi sầu riêng.
Lặng nhìn ba má,đôi giòng lệ,
Xác pháo bốn bề,nát phận duyên.
Năm tháng rồi đây tùy số kiếp,
Hoài lang sáu nhịp,vọng chim uyên.
Bảy ba chìm nổi,tình nhi nữ,
Đôi tám sang ngang,đạo chính chuyên.
Tùng Linh
8-Liên hoàn
Thể thơ có nhiều đoạn, câu cuối của đoạn trên được chuyển thành câu đầu của đoạn dưới
Thi Lấy Được
Anh Phán nhà ta biết cóc gì
Kỳ thi Tham biện cũng ra thi,
Nhất thì anh đỗ,nhì anh trượt,
Chẳng đậu khoa này, khoa khác đi.
Chẳng đậu khoa này, khoa khác đi.
Nam nhi chi chí, há lo gì,
Một, hai, ba, bốn, năm năm trượt
Nhẵn mặt quan trường, chẳng thẹn chi.
Nhẵn mặt quan trường, chẳng thẹn chi.
Trượt thi, thi trượt, vẫn gan lì.
. . . .
Tú Mỡ
Lính Tập Vinh Qui
Chú đội qua Tây thắng trận về,
Cả nhà đón rước thật mừng ghê !
Ông già, bà lão gồm hai cụ,
Vợ giảnh, con ngoan đủ mọi bề, (1)
Nảy ngực mề đay tiền bạc chói,
Rạng mình khố đỏ áo vàng xuê.
Giang sơn mày mặt càng tươi tốt,
Bộ cất tay lên, ngó cũng nghề. (2)
Bộ cất tay lên ngó cũng nghề,
Miệng cười tróm trém, húi râu dê.(3)
Xông pha trăm trận từng hăm hở
Gánh vác hai vai ghẹo nặng nề ! (4)
Mở mặt Tiên Rồng dòng Đại Việt,
Nổi danh hùng hổ cõi Âu tê (5)
Trong tình cảnh nọ dầu không vẻ,
Văng vẳng dường nghe tiếng ắc-đê ! (6)
N.V.H
Chú thích :
1-Vợ đẹp ( tiếng Nghệ)
2-Có vẻ tay nghề
3-Bộ râu xén như râu dê
4-Dù công việc có nặng đến đâu cũng không sợ (tiếng Nghệ)
5-Âu Tây.chữ tây,âm Hán có khi đọc là tê
6-Phiên âm chữ Pháp : un,deux.Tiếng hô đi đều của lính tập.
9-Liên hoàn thuận nghịch vận
Thể thơ như trên, nhưng bài thứ 2 viết ngược vần lại với bài thứ nhất.
Xem Núi Non Bộ
Non nhân, nước trí, điểu muông hiền,
Núi giả mà in dáng tự nhiên.
Một vũng xinh xinh, vươn một ngọn,
Hai cầu nho nhỏ, vắt hai triền.
Thuyền ngư lướt suối dong miền tục,
Cánh hạc trườn mây bổng cõi tiên.
Đối cảnh tâm tư dường nhẹ nhõm,
Lâng lâng chẳng bợn chút ưu phiền.
Lâng lâng chẳng bợn chút ưu phiền.
Bàn đá say cờ đôi lão tiên,
Lã vọng buông câu vờn sóng nước,
Phật đài mở lối lượn ven triền.
Sỏn thanh thủy tú,hồn u nhã,
Sắc lộng hương nùng ,khí hạo nhiên.
Phong cảnh tạo hình như giới thiệu
Chủ nhân đây cũng bậc nhân hiền.
Lạc Nam
10-Ô thước kiều
Thể thơ liên hoàn như trên, nhưng lấy 2 từ cuối, hoặc nhắc lại 2, 3 từ nào đó ở câu cuối của bài trên để mở đầu cho câu 1 của bài dưới.
Chống Tôn Thọ Tường
Lung lay lòng sắt đã mang nhơ,
Chẳng xét phận mình khéo nói vơ.
Người trí mang lo danh chẳng chói,
Đứa ngu luống sợ tuổi không chờ.
Bài hòa đã sẵn in tay thợ,
Cuộc đánh hơn thua giống nước cờ.
Chưa trả thù nhà,đền nợ nước,
Dám đâu mắt lấp với tai ngơ.
Tai ngơ sao đặng lúc tan tành,
Luống biết trách người,chẳng trách mình.
Đến thế còn khoe đàng đạo nghĩa,
Như vầy cũng gọi kẻ trâm anh.
Biển khơi vụng tính dung thuyền nhỏ,
Chuông nặng to gan buộc chỉ mành.
Thân có,ắt danh tua phải có,
Khuyên người ái trọng cái thân danh.
Thân danh chẳng kể, thật thằng hoang,
Đốt sáp nên tro lụy chẳng màng.
Hai cửa trâm anh xô sấp ngửa,
Một nhà danh giá xóa tan hoang.
Con buôn khấp khởi chưa từng ngọc,
Người khó xăng xăng mới gặp vàng.
Thương kẻ đòng văn nên phải nhắc.
Dễ đâu ta dám tiếng khoe khoang.
Phan Văn Trị ( 1830-1910)
11-Tập danh
a- Trong mỗi câu có danh từ gắn với đề tài
Mừng Ông Lão Hàng Thịt Ăn Thượng Thọ
Nay tiết mừng ông mới Bảy mươi,
Cổ hy(1) chưa dễ mấy lăm người.
Răng long nhưng hãy còn tinh mắt
Đầu bạc nhưng mà chửa tắc tai.
Bè bạn bày vai kèo (2) chén Lý (3)
Cháu con dưới gối múa sân Lai. (4)
Xưa nay vẫn giữ lòng chân thực
Chữ đức giả xương máu để đời.
Nguyễn Khuyến
Chú thích :
1-Do câu " nhân sinh thất thập cổ lai hy " ,ngưòi ta sinh ra sống được 70 tuổi,xưa nay rất hiếm có.
2-Rót rượu mời người khác uống. 3-Chén rượu của Lý Bạch ,nhà thơ uống rượu nổi tiếng. 4-Lão Lai,người nước Sở đời Xuân Thu, tuổi đã ngoài 70 còn cha mẹ, giả cách khóc như trẻ con để làm cho cha mẹ vui.
b-Mỗi câu thơ có 1 từ chỉ bộ phận trong thân thể con người.
Học Trò
Dài lưng tốn vải lại ăn no,
Nghĩ ngán cho thân phận học trò.
Thù nước, thù vua, ngay mặt chịu,
Công sưu, công ích, cắm đầu lo !
Vẫn giương mắt ếch mà ra quáng,
Còn ngậm lông mèo chả sợ ho !
Nói đến chuyện đời tai điếc đặc,
Rung đùi, chỉ nghĩ " tám đùi " to !
Nhì Mỹ
Chú thích : Ngậm lông mèo : ngậm bút chữ nho. Tám đùi :văn xưa gọi là " bát cổ "dịch là tám vế,vế đồng nghĩa với đùi.
12-Tính danh
Câu nào cũng có từ chỉ nhân danh hay địa danh. Giống như Điển Thi, câu nào cũng dẫn 1 điển ở bên Tàu.Xưa kia các cụ đồ nho chuộng lắm vì như thế các cụ mới chịu cho là có học, rộng kiến thức.
Lỗi Thề
Vùi oan bạc mệnh sóng Tiền Đường (1)
Ngọn đuốc Chiêm Thành(2) rở nhớ thương.
Chắp cánh đẹp gì câu Thất Tịch (3)
Ôm cầm say mãi gái Tầm Dương(4)
Lỗi thề Chung Tử (5) sầu tri kỷ
Hoen mái Tây hiên (6) lệ đoạn trường
Hồ Hán (7) ngậm ngùi mây cách biệt
Ngân Hà (8) mưa gió nẻo cầu sương.
Toại Khang
Chú thích :
1: Kiều trầm mình ở sông Tiền Đường. 2- Công chúa Huyền Trân phải sang lấy vua Chiêm Thành.
3- Đường Minh Hoàng -Dương Quý Phi đêm 7 tháng 7 âm lịch thề cùng nhau "sống làm vợ chồng chết là chim liền cánh cây liền cành". 4-Bạch Cư Dị,văn hào đời Đường, đêm đậu thuyền ở bến sông Tầm Dương làm bài Tỳ Bà Hành cho ca nữ hát.
5-Chung Tử Kỳ -Bá Nha là 2 bạn tri âm. Bá Nha gảy đàn,T ử Kỳ biết Bá Nha nghĩ gì. Tử Kỳ chết, Bá Nha đập đàn đi, không gảy nữa. 6-Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh tình tự dưới mái Tây hiên. 7-Chiêu Quân nhà Hán sang cống Hồ.
8-Ngưu Lang và Chức nữ đứng 2 bên sông Ngân Hà nhớ nhau khóc thành mưa ngâu trong tháng 7 Âm lịch.
13-Sắc thái
Câu nào cũng có từ chỉ màu sắc.
Chiều Nổi Mầu Thu
Trời thu bóng ác rực mầu vang,
Trườn trượt vào lưng dặng núi vàng.
Cánh nhạn chiều tà sương lót trắng
Chòm mây mưa nhạt khói mờ lam.
Lầu thu thoát nắng nâng rèm tía,
Vườn vắng còn đây nở đóa vàng.
Nếu chẳng vương tìm hoa súng tím,
Thì đâu được ngắm nguyệt da cam.
Toại Khang
14-Thủ vĩ ngâm
Thể thơ trong đó câu đầu và câu cuối giống nhau
Khoe Lười
Anh em chớ bảo ta lười,
Làm việc cho hay phải thức thời.
Xuân hãy còn chơi cho phỉ chí,
Hạ mà cất nhắc tất nhoài hơi.
Thu sang cảm nguyệt còn ngâm vịnh,
Đông lại hầm chăn tạm nghỉ ngơi.
Chờ đến xuân sang ta sẽ liệu,
Anh em chớ bảo ta lười.
Tú Mỡ
Đèn Kéo Quân
Lúng túng trong vòng mấy đứa đen,
Nhờ khi đỏ lửa mới hay hèn.
Nghênh ngang võng giá phô đồ giấy,
Đủng đỉnh dù che nép bóng đèn.
Thằng trước thằng sau liền gót chạy,
Anh trên anh dưới vểnh râu lên.
Này ai say tỉnh nhìn xem thử,
Lúng túng trong vòng mấy đứa đen.
Khuyết Danh
15-Triệt hạ
Từ cuối của mỗi câu thơ để bỏ lửng làm cho câu thơ chưa trọn nghĩa, khiến người đọc phải nghĩ ra.
Gái Hồng Nhan
Thấy gái hồng nha bỗng chốc mà . . .
Hõi thăm cô ấy chửa hay đà . . .
Hình dung yểu điệu in như thể . . .
Diện mạo phương phi ngó tưởng là . . .
Ăn mặc ra tuồng người ở chốn . . .
Nói năng phải lẽ giống con nhà . . .
Ước gì ta được mà ta để . . .
Ta để đem về để nữa ta . . .
Nguyễn Quý Tân
16-Yết hậu
Các câu trên đủ từ cả, riêng câu cuối cùng chỉ có 1 từ.
Rượu Say Nhè
Sống ở nhân gian, đánh chén cay,
Trăm năm ngày tháng, giữ be đầy.
Diêm vương phán hỏi "Ai đó " ?
- "Say ! "
Sống ở nhân gian đánh chén khè ,
Trăm năm ngày tháng,giữ đầy be.
Diêm vương phán hỏi " Ai đó " ?
- "Nhè ! "
Phạm Thái (biệt hiệu Chiêu Lỳ)
17-Áp cú
Từ cuối của câu trước trở thành từ đầu của câu sau.
Sang Canh
Năm nảo năm nao cũng ước lành
Lành, còn mong hết ? đón sang canh.
Canh trời thắc thỏm phương xin lộc,
Lộc nước lăm le khách vít cành.
Cành lá đêm qua dù thiếu nụ,
Nụ đào xuân hé đẹp hơn tranh,
Tranh đời mới lại màu hoa gấm,
Gấm vóc sơn hà lộng sắc xanh.
Toại Khang
Chừa Rượu
Những lúc say sưa, cũng muốn chừa,
Muốn chừa,nhưng tỉnh lại hay ưa,
Hay ưa nên nỗi không chừa được,
Chừa được, nhưng mà cũng chẳng chừa.
Nguyễn Khuyến
18-Chơi chữ
Thể thơ chơi chữ rất phong phú và hứng thú. Chỉ xin liệt kê ra đây vài bài mẫu :
a-Chơi theo vần A B C . . .
Muốn Quy Thuyền
A Di Đà Phật muốn quy thuyền,
B bết lòng tham hãy cứ nguyên.
C xích cho gần nơi cửa tịnh,
Đ đầu nguyện dứt mối trần duyên.
Thảo Am
Dở Dang
E không thoát khỏi xa niềm tục,
F gượng rồi ra cũng hão huyền.
T tái trần duyên tu chẳng trọn,
Y thời cũng trả,bát không quyên.
Bùi Tiến (nhóm Silicon)
b-Chơi theo các dấu : Huyền - Sắc - Nặng - Hỏi
Huyền diệu trông lên cửa đạo thuyền,
Sắc không khôn rõ thấu căn nguyên
Nặng nề nghiệp chướng e chưa hết,
Hỏi mấy ai đà có thiện duyên.
Thảo Am
c-Các từ trong bài thơ đều dùng một phụ âm hay nguyên âm
Chuyện Cô Cháu
Cô chẳng cho con cả chén chè
Cô cho chút chút,chán cô chưa.
Chè còn,cô cất cho chua cả,
Con cũng chê,mà chó cũng chê.
Bùi Tiến (Quán Thơ Silicon)
Chớ chớ, cháu cô chỉ chãnh chòe,
Cháo chè chi chiết chán chường chưa !
Chén chè cô cúng cho chùa cả,
Cầu cháu cùng cô chồng chẳng chê !
Mai Ninh (nhóm Silicon)
d- Ý của các từ , cụm từ, câu thơ đều phải hiểu theo nghĩa bóng, điển . . . Thể thơ chơi chữ này thú vị và bất ngờ nhất vì có khi người đọc nghĩ ra những ý mà chính tác giả cũng không nghĩ ra.
Tắm Trong Tù
Vùng vẫy mình trong bể nước đầy
Hết kỳ lại cọ, chẳng rời tay
Ông Tây cứ bảo mình yêu nước,
Ừ, chẳng yêu sao lại thế này ?
Nhượng Tống
Chú thích : Lệ nhà tù, một tuần mới cho tắm một lần, nên mỗi khi tắm, phạm nhân vùng vẫy kỳ cọ trong bể nước cho bằng đã.
Ghẹo Sư nữ
Ôm tiu cắp mõ ngủ kho kho,
Gió thổi mùng thiền mát mẻ cô,
Cánh cửa từ bi gài lỏng khóa,
Nén hương tế độ đốt đầy lò.
Cá khe lắng kệ đầu ngơ ngác ,
Chim suối nghe kinh cổ gật gù.
Nhắn với chúng sinh lòng muốn độ,
Đêm đêm thường niệm chữ nam vô !
Nguyễn Khuyến ? Mai Thế Quý ?
19-Kỵ đề
Thể thơ trong đó tất cả 8 câu đều không có từ nào chỉ đề tài mà vẫn thể hiện đầy đủ yêu cầu của đề tài. Chưa sưu tầm ra bài mẫu
20-Bát điệp
Thể thơ trong đó tất cả 8 câu đều có lồng vào 1 hoặc 2 từ giống nhau.
Gái Muộn Chồng
Ai giám thương đâu gái có chồng
Thương vì một nỗi chực phòng không.
Thương con quốc đực kêu mùa hạ
Thương cái bèo non giạt biển đông
Thương vợ chồng Ngâu duyên chểnh mảng,
Thương cha mẹ nhện số long đong.
Cái thương quân tử thương là thế,
Có giám thương đâu gái muộn chồng.
Khuyết Danh
Còn Chơi
Ai đã hay đâu tớ chán đời,
Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi.
Chơi cho thật chán, cho đời chán,
Đời chán nhau thời tớ sẽ thôi.
Nói thế, can gì tớ đã thôi ?
Đời đương có tớ, tớ còn chơi.
Người ta chơi đã già đời cả
Như tớ năm nay mới nửa đời.
Tản Đà
Chú thích :Trong câu 5 Tản Đà không có dùng từ đời. Nếu ta thay từ " can gì " bằng "đời nào " câu 5 thành : "Nói thế, đời nào tớ đã thôi" thì bài thơ thuộc thể Bát điệp.
21-Liên ngâm
Thể thơ trong đó 2 hoặc nhiều người làm chung một bài thơ lần lượt nhau mỗi người 1 hoặc 2 câu.
Cảnh Tây Hồ
Bài này do bà Liễu Hạnh cùng ông Phùng Khắc Khoan ,1 ông họ Lý,1 ông họ Ngô chơi thuyền ở Hồ Tây liên ngâm:
(Liễu)
Hồ Tây riêng chiếm một bầu trời
(Lý)
Bát ngát tứ mùa rộng mắt coi.
Cỗi ngọc xanh xanh làng phía cạnh,
(Phùng)
Trâu vàng biêng biếc nước vàng khơi.
Che mưa nhà lợp vài gian cỏ
(Ngô)
Chèo gió ai bơi một chiếc chài
Giậu thủng chó đua đàn sủa tiếng
. . . . . . . . . . . .
(Phùng)
Đông hết thành xuân chửa thấy mai.
Thú cảnh yên hà sang dễ đọ
(Ngô)
Sóng lòng trần tục dạ đầy vơi.
Xe săn Vị Thủy tha hồ hỏi
(Lý)
Thuyền tới Đào nguyên mặc sức bơi.
Chuông sớm dục thanh lòng Phật đó
(Liễu)
Trăng tròn soi bóng một tiên thôi.
( Nguyên văn chữ Hán Truyện Liễu Chúa-Phan Kế Bính dịch nôm trong Việt Hán văn khảo )
22-Hạn Vận
Người ra đề cho vần nào ta phải dùng vần ấy. Thể thơ này khác với thể Họa Vận vì không có bài xướng để dựa theo mà họa, hơn thế nữa, ta phải :
* Tả ý thơ theo đầu đề
* Dùng 5 vần hạn định (trong 8 câu)
Thí dụ : Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức
a/ đầu đề :
Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không, ai dám dở mùng chun vô ?
b/ 5 vần hạn định : xô, cô, vô, ô, rô.
Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định, được giải nhất mà tác giả lại là một nhà sư chân tu ! :
Nào phải là ai dám giục xô,
Thuận tình truớc hết tự nơi cô.
Có cho mới dám trao dùi đánh,
Không hẹn nào ai đẩy cửa vô ?
Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa,
Ham vui quên hết chuyện dâm ô.
Thói hư thuần, thước xưa còn lạc,
Đừng học làm chi gióng nhảy rô !
23-Phú Đắc
Giải thích và phát triển ý của một câu ca dao hay một câu thơ bằng một bài thơ, nhưng nội dung phải phù hợp với sự việc đó.
Già Còn Muốn Lấy Chồng
Phú Đắc :
Bà già đã bảy mươi tư,
Ngồi trong cửa sổ gửi thư kén chồng
Đã trót sinh ra kiếp má đào,
Bảy mươi tư tuổi có là bao ?
Xuân xanh xấp xỉ hàng răng rụng
Ngày vắng ân cần mảnh giấy trao.
Chữ nhất nhi chung đành đã vậy (1)
Câu tam bất hiếu nữa làm sao (2)
May mà lấy được ông chồng trẻ,
Họa có sinh ra được chút nào ?
Nguyễn Khuyến
Chú thích :
1- Nhất nhi chung : chỉ có một chồng cho đến trọn đời.
2- Tam bất hiếu :Theo thuyết Khổng Mạnh có câu " Bãt hiếu hữu tam, vô hậu vi đại ", nghĩa là tội bất hiếu có 3 điều, không có con trai nối dõi là tội to nhất.
Thách Vần
Phú Đắc :
Tối um um, trống điểm thùm,
Dáng lum khum, có lẽ hùm !
Quán tùm hum !
Giời hôm như mực cỏ xanh um,
Kẽm trống đâu đây bước đánh thùm,
Ven núi chẳng nề cao với thấp,
Qua cầu đếch biết thẳng hay khum.
Đường mây, ngọn gió, đôi đàn vạc,
Móng đá chân sim, một dấu hùm.
Sực thức đêm khuya thương kẻ lạnh,
Màn, chăn, đệm ấm hủm hùm hum.
Lê Lượng Thể (biệt hiệu Thảo Trang)
24-Láy Thơ
Thể thơ trong đó hoặc ở đầu câu,ở giữa câu hay ở cuối câu đều có từ láy. Láy có 3 loại :
a- Láy từ : Từ đùng trước được láy lại toàn bộ ở từ sau : ngời ngời, xinh xinh, ngà ngà, ngoan ngoãn . . .
b- Láy âm :Bộ phận phụ âm đàu của từ trước được láy lại ởbộ phận phụ âm của từ sau : khó khăn, đỡ đần . . .
c- Láy vần : Bộ phận vần của từ trước được láy lại ở bộ phận vần của từ sau : bồn chồn-lẩm cẩm-cheo leo . . .
d- Láy có 3 thể :
1/ Láy đôi : canh cánh, tà tà, lăm le . . .
Quan Khánh
Đứng tréo trông theo cảnh hắt heo,
Đường đi thiên thẹo, quán cheo leo.
Lợp lều quán cỏ tranh xơ xác,
Xỏ kẽ kèo tre đót khẳng khiu.
Ba chạc cạy xanh hình uốn éo,
Một dòng nước biết cảnh leo teo.
Thú vui quên cả niềm lo lắng,
Kìa cái diều kia nó lộn lèo !
Hồ Xuân Hương
2/ Láy ba (Vĩ Tam Thanh): Sạch sành sanh-dửng dừng dưng - sát sàn sạt . . .
Ngẫu Hứng
Tiếng gà bên gối tẻ tè te,
Bóng ác trông lên hé hẻ hè.
Cây một chồi cao von vót vót,
Hoa năm sắc nở lóe lòe loe.
Chim tình bè lứa kia kìa kịa,
Ong, nhĩa vua tôi nhé nhẻ nhè.
Danh lợi mặc người ti tí tị,
Ngủ trưa chửa dậy khỏe khòe khoe.
Vô Danh
3/ Láy tư : Trùng trùng điệp điệp, lúng ta lúng túng, hớt hơ hớt hải, áo áo quần quần . . .
Hạ Long Tức Cảnh
Trùng trùng điệp điệp núi chon von,
Ảo ảo mơ mơ thế trận hồn ,
Lớp lớp hàng hàng hòn Bái Tử,
Non non nước nước một lòng son.
Tùng Linh (Quán Thơ Silicon)
25-Lái Thơ
Thể thơ có những cụm từ đôi được lái thành cụm từ đôi khác (hoặc cụm từ ba, nhưng rất ít), như trong câu : "Con cá đối nằm trong cối đá" hoặc trong cảnh Trạng Quỳnh ngồi bờ ao chơi đá bèo làm cho bà Quận Chúa phải đỏ mặt.
Muốn Quy Thuyền
Cầu đạo cần chi phải cạo đầu ,
Dầu lai dưa muối cũng dài lâu.
Na bường bát tới nương bà vãi,
Dầu sãi không tu cũng giải sầu.
Thảo Am
Nhắn Bạn
Nhắc bạn những thương tình nhạn bắc,
Trông đời chỉ thấy cảnh trời đông.
Đêm thâu tiếng dế đâu thêm mãi,
Cười ngả nghiêng cho mệt cả người.
Thảo Am
26-Cô nhạn xuất quần
Thể thơ trong đó vần câu đầu làm khác hẳn, không giống mấy vần dưới. Chưa sưu tầm ra bài mẫu.
27-Cô nhạn nhập quần
Thể thơ trong đó mấy vần trên đi với nhau, chỉ có vần dưới làm khác hẳn đi. Chưa sưu tầm ra bài mẫu
28-Liên Châu
Thể thơ tràng thiên dùng nguyên một vần mà câu nào cũng có vần. Chưa sưu tầm ra bài mẫu
29-Vấn nghi
Câu thơ nào cũng theo thể hỏi, nên sau mỗi câu đều đặt được dấu hỏi cả.
Vấn Nguyệt
Trải mấy thu nay vẫn hãy còn ?
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn ?
Hỏi con Ngọc-thỏ đà bao tuổi ?
Chớ chị Hằng-nga đã mấy con ?
Đêm thẳm cớ chi soi gác tía ?
Ngày xanh còn thẹn với vừng son ?
Năm canh lơ lửng chờ ai đó ?
Hay có tình riêng với nước non ?
Vô Danh
30-Thuận nghịch độc (hồi văn)
Thể thơ khi đọc xuôi là 1 bài thơ,mà đọc ngược cũng là 1 bài thơ. Thể thơ này đòi hỏi công phu ghép từ thật khéo và phải làm theo đúng luật bằng trắc để có thể đọc xuôi ,đọc ngược đều có nghĩa, câu thơ chải chuốt không khổ đọc.
Cảnh Tây Hồ
(Đọc xuôi) :
Đây vui thực lạ cảnh Tây Hồ !
Trước tự trời kia khéo vẽ đồ.
Mây lẫn nước xanh màu tỏ ngọc,
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu.
Cây la tán rợp từng cao thấp,
Sóng gợn cầm tâu nhịp nhỏ to.
Bày khéo thú vui non nước đủ,
Tây Hồ giá ấy dễ đâu so !
Khuyết Danh
(Đọc ngược) :
So đâu dễ ấy giá Hồ Tây ?
Đủ nước non vui thú khéo bày.
To nhỏ nhịp tâu cầm gợn sóng,
Thấp cao từng rợp tán la cây.
Châu in vẻ thắm, hoa lồng nguyệt,
Ngọc tỏ màu xanh, nước lẫn mây.
Đồ vẽ khéo kia trời tự trước,
Hồ Tây cảnh lạ thực vui đây !
Khuyết Danh
Xuân Hứng
(Đọc xuôi, Hán văn) :
Thi đàn tế liễu lộng hoa hài,
Khách bộ tùy sương ấn bích đài
Kỳ cục đã thanh phong giáp trận
Tửu hồ khuynh bạch tuyết hòa bôi !
Sơ liêm thấu nguyệt hương hung trúc,
Tuyết án lăng hoa vị áp mai
Phi phất thảo am đầu tĩnh điếm
U tình cố nãi thuộc quyên ai !
Khuyết Danh
(Đọc ngược theo phiên âm chữ nôm) :
Ai quen thuộc ấy có tình ư ?
Điếm tĩnh đầu am cỏ phất phơ
Mai ép mùi hoa lùng án tuyết
Trúc lồng hương nguyệt thấu rèm thưa
Chén hòa tuyết trắng nghiêng hồ rượu
Trận giáp phong thanh đánh cuộc cờ
Rêu biếc in sương theo bước khách
Hài hoa lỏng lẻo tới đàn thơ.
Khuyết Danh
31-Phá cách
Thơ làm thất niêm có dụng ý
Đèo Ba Dội
Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ hoét tùm hum nóc,
Kẽ đá xanh rì lún phún rêu.
Lắt léo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mõi gối chồn chân vẫn muốn trèo.
Hồ xuân Hương
Chú thích : Bài thất ngôn bát cú này làm theo thể bình, vần bình, nhưng không theo niêm luật.
------------------------------------------------------
|
|
shiranai
member
REF: 388434
09/05/2008
|
BÀI 14 : MƯỜI ĐIỀU KỴ TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Phép làm thơ ,có mấy điều tối kỵ không nên phạm đến :
1- Thất luật : Những từ đáng Bằng mà làm ra Trắc hoặc đáng Trắc mà làm ra Bằng
2- Thất niêm : Câu trên đang theo luật Bằng mà câu dưới sang luật Trắc hoặc câu trên đang theo luật Trắc mà câu dưới làm sang luật Bằng
3- Lạc vận : Đang theo vần này mà gieo sang vần khác, như như vần trên là trời mà vần dưới là mây thì gọi là lạc vận.
4- Xuất vận : Người ta đã hạn định cho những cho những vần gì,mà mình dùng vần khác,thì gọi là xuất vận.
5- Trùng vận : Câu trên đã dùng một vần ,câu dưới lại dùng dùng như thế nữa thì gọi là trùng vận.
6- Cưỡng áp : Các vần gieo ép uổng, không được hiệp lắm.
7- Khổ độc : Trong một bài thất ngôn,chữ thứ ba các câu chẵn,trong một bài ngũ ngôn,chữ thứ nhất các câu chẵn đáng là từ bằng mà làm ra từ trắc
8- Phong yêu hạc tất : từ thứ tư và tứ thứ bảy trong thơ thất ngôn, từ thứ hai và từ thứ năm trong thơ ngũ ngôn trùng một âm.
9- Đối không chỉnh : Khi những từ trong bài thơ phải đối nhau mà từ nặng từ nhẹ không được cân.
10- Trùng từ hay trùng ý : Từ hay ý đã dùng rồi mà lại còn dùng nữa.
----------------------------
|
|
shiranai
member
REF: 388435
09/05/2008
|
BÀI 15 :
Sh xong nhiệm vụ .
Nghỉ xả hơi ...
Phần tiếp là dành cho mọi người ...
|
|
hellen200720
member
REF: 388455
09/06/2008
|
Cảm ơn Shiranai ! thực ra luật thơ từ thời PTTH thời trước đã học , nhưng lâu lắm rồi có lẽ các bạn cũng quên nhiều ... , Bạn nhắc lại là điều bổ ích đáng quí biết bao !
Trên mạng hiện nay rất nhiều DĐ thơ văn , nhưng DĐ này là vui nhất , có nhiều người tham gia , các bạn đã làm thơ theo cảm hứng và cảm xúc thực của mình , nhưng ít nhiều các bạn đã quên mất luật thơ ..., thôi thì cứ lấy cảm xúc làm thể loại tự do mới vậy... !!!
Cảm ơn bạn Shiranai nhiều !
|
|
shiranai
member
REF: 391370
09/19/2008
|
Hôm nay tính làm một bài thơ nên chạy về đây ., thấy số lượng Views và Replies .. chợt bật cười ... ^^
Đọc tiêu đề này rùi.. ghé thăm topic là những người nào :
1. TÒ MÒ : "các kiểu " là các kiểu gì !? Ai reply !? Reply thế nào !? Thậm chí " trình độ" của chủ quán thế nào mà dám mở Topic này..!? ^^ ... Đọc xong rùi thủng thẳng đi ra ...
( Hình như chủ quán cũng nằm trong số này .. ^^ Nói một cách "lịch sự " là " Chẳng qua là ..Ham hiểu biết" ...^^ )
2. QUAN TÂM đến nội dung topic : Đang "thiếu" chỗ này , chạy vô coi có không , "xào" một khúc ... xong rùi .. quen biết chi đâu mà reply cho mất công .. vô tình lại thành "khai báo trình độ" thì ...quê...^^ Thui ! ta biết mình ta ..^^
( Hình như chủ quán cũng có nằm trong số này nữa .. ^^ Nói một cách "lịch sự " là " Chẳng qua là ..chưa quen biết" ...^^ )
3.....( Chắc là còn nữa nhưng chửa có nghĩ ra ...^^)
Thế mới biết rằng mình vẫn còn ..xấu quá .. ^^
Thế mới thấy rằng Hellen200720 thật dễ thương ..^^!
Có thời gian mời bạn dễ thương qua Làng Đố Vui nhé !
Happy to all.
SH
|
|
ngayaytharang
member
REF: 391407
09/19/2008
|
Trùi ui, nhột quá, nhột quá...hehehehe...NATR cũng từng coi mà hổng reply ...vì hổng biết nói gì. Bởi thơ mình làm cũng không theo luật, chỉ là thơ cùi bắp viết cho chàng đọc chơi thui..hehehehe....
Hôm nay thấy topic này chui lên lại, tò mò lại dzô coi có luật gì mới hông...hehehhee...bị bà chủ khều nhột quá...nên lọt tọt lấy nghiên mực ra hí hóay vài chữ nè......hehehhehee...
|
|
shiranai
member
REF: 391412
09/19/2008
|
Hi NATR ,
Vui quá à. SH cũng vừa TÒ MÒ chạy vô xem ai nói gì ... ^^
Vừa tủm tỉm vừa viết cho NATR nè ...^^
Vui là chính ha ! ^^
|
|
ngayaytharang
member
REF: 391416
09/19/2008
|
YEAHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHH, DZUI LÀ CHÍNH MỪ.
QUA CHÒI MỚI CỦA JD CHƠI ĐI SH, THA HỒ LÀM LỤC BÁT THẤT BÁT XẬP BÁT KÌA ...HEHEHEHE
|
|
hellen200720
member
REF: 391573
09/20/2008
|
Chân thành mà nói ,bay giờ hỏi lại luật thơ mấy ai đã thuộc và đã biết ?! Hellen200720 nghĩ mà giật mình !
Cảm ơn Shiranai nhiều ! Chúc bạn vui khoẻ sưu tầm nhiều điều hay ,vì cộng đồng yêu thơ có gì hay phổ cập cho các bạn cùng biết và học hỏi vậy ! ở đây đau nhất thiết là thân thiết mà tất cả là bạn và sẽ là bạn chung một dòng máu Viêt !
|
|
hanhdung11
member
REF: 391577
09/20/2008
|
Chào chủ nhà
Cảm ơn bài viết về các luật thơ, HD học hỏi thêm nhiều nhưng hình như bạn chưa nói về luật thơ Đường : ngũ ngôn bát cú phải không ?Chắc là bài thứ 15?
Post tiếp nhé!
|
|
shiranai
member
REF: 391588
09/20/2008
|
Chào Hellen và Hanhdung,
Dạo này hơi rảnh nên SH cũng có dịp lang thang ..^^
Nếu có gặp thêm "kiểu" nào nữa thì SH sẽ rinh về liền , chỉ e là " làm biếng " lục lọi thui ...^^
Chúc hai bạn nhiều niềm vui nhé !
SH
|
|
haidang1hd
member
REF: 391595
09/20/2008
|
Dạo này ít vô diễn đàn, hôm nay đọc bài viết của Shiranai
Cảm nghĩ của HĐ là: Bạn đã rất cố gắng và trách nhiệm với thơ đó! Đây là bài viết khá công phu với nhiều ví dụ.
Khi tôi tập làm thơ đã từng sưu tầm sách và các bài viết trên mạng, đọc hoài rồi có lúc tưởng như "tẩu hỏa nhập ma luôn" hihihi...
Tôi thiết nghĩ những ai yêu thơ và mới tập làm thơ mà đọc thì cũng có cảm giác như tôi ngày xưa nhưng đừng có lo lắng. Những niêm, luật, vần... đến một lúc nào đó bạn sẽ không còn quá để tâm khi làm thơ nữa. Đó là khi bạn thành nhà thơ, bạn sẽ ghi lại cảm xúc tuôn trào rất tự nhiên không cần nghĩ đến niêm, luật, vần... mà vẫn đúng niêm, luật, vần...
Chắc kiếp này tui cũng chả được thế Hihihi....
Chúc mọi người có những ngày cuối tuần tuyệt vời!
|
|
shiranai
member
REF: 391598
09/20/2008
|
Chào bạn Haidang,
Nghe bạn khen mà ..mắc cỡ quá đi !
SH chỉ có "rinh " về , chia phần , chặt khúc , bôi cho nó chút màu mè... cho mọi người dễ tham khảo thui chứ hổng "có trách nhiệm đâu " .. ^^
Nó có dư thừa thiếu đủ đúng sai ra sao thì mọi người cứ việc sửa thẳng cánh nhé !
Còn SH đọc xong chúng là " xỉu" rùi .. ^^
Chúc HD luôn vui nhé !
SH
|
1
|
Kí hiệu:
:
trang cá nhân :chủ
để đã đăng
:
gởi thư
:
thay đổi bài
:ý kiến |
|
|
|
|