Minhxotxa
member
ID 51512
04/26/2009
|
Hỏi đáp về cúm lợn.
Các chuyên gia kiểm soát dịch bệnh đang nhanh chóng phản ứng với các đợt dịch cúm lợn tại Mexico, Mỹ cũng như các ca nghi nhiễm tại những nơi khác trên thế giới.
Cúm lợn là gì?
Cúm lợn là một loại bệnh hô hấp ở lợn, do loại cúm tuýp A gây ra. Các đợt dịch thường xảy ra ở các đàn lợn, nơi bệnh gây tỷ lệ ốm cao song hiếm khi làm chết lợn.
Cúm lợn có xu hướng lây lan vào mùa thu và mùa đông song có thể lưu truyền quanh năm. Có nhiều loại cúm lợn khác nhau. Giống như cúm người, cúm lợn không ngừng biến đổi.
Liệu người có thể nhiễm cúm lợn hay không?
Cúm lợn không thường lây nhiễm sang người mặc dù một vài trường hợp lẻ tẻ đã xảy ra, thường ở những người có tiếp xúc gần với lợn.
Rất hiếm khi người nhiễm cúm lợn truyền bệnh cho những người khác. Các chuyên gia cho rằng việc lây nhiễm cúm lợn từ người này sang người kia cũng giống như các loại cúm theo mùa, thông qua ho và hắt hơi.
Trong đợt dịch cúm lợn mới nhất hiện nay, rõ ràng là cúm lợn đang lây từ người sang người. Các triệu chứng của cúm lợn ở người dường như giống với các triệu chứng của cúm theo mùa thông thường.
Loại cúm hiện nay có phải là một loại cúm lợn mới?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định rằng ít nhất một vài trường hợp cúm lợn hiện nay là phiên bản họ chưa từng thấy trước đây của chủng H1N1 thuộc cúm tuýp A.
H1N1 là chủng thường gây ra các đợt cúm theo mùa ở người. Tuy nhiên, phiên bản H1N1 mới nhất khác biệt ở chỗ nó chứa vật liệu di truyền thường thấy ở các chủng virus H1N1 ảnh hưởng tới người, chim và lợn.
Các virus cúm có khả năng trao đổi vật liệu di truyền với nhau. Dường như chủng H1N1 mới là kết quả của sự kết hợp các chủng H1N1 khác nhau trên cùng một loại vật chủ. Các chủng H1N1 khác nhau này ảnh hưởng tới các loài khác nhau.
Ăn thịt lợn nhiễm bệnh có an toàn không?
Không có bằng chứng cho thấy cúm lợn có thể lây truyền thông qua việc ăn thịt từ lợn nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, cần chế biến thịt đúng cách. Virus H1N1 sẽ bị tiêu diệt nếu nấu thịt lợn ở nhiệt độ 70 độ C.
Mọi người có nên lo lắng về dịch cúm lợn hiện nay?
Khi mọi chủng virus cúm mới xuất hiện với khả năng lây truyền từ người sang người, nó được giám sát rất chặt chẽ về nguy cơ gây ra đại dịch.
WHO đã cảnh báo rằng các đợt dịch cúm lợn ở Mỹ và Mexico có tiềm năng gây ra một đại dịch cúm toàn cầu và nhấn mạnh tình hình hiện nay là nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá chính xác tình hình hiện nay một cách đầy đủ. Họ nói rằng thế giới hiện đang tiến gần hơn bao giờ hết tới một đại dịch cúm và đánh giá mối đe dọa hiện ở nấc 3 trên thang 6 bậc.
Không ai biết tác động tiềm năng đầy đủ của đại dịch cúm song các chuyên gia cảnh báo nó có thể khiến hàng triệu người tử vong trên toàn thế giới. Đại dịch cúm Tây Ban Nha, bắt đầu bùng phát năm 1918 và cũng do một chủng H1N1 gây ra, đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Điều đáng mừng hiện nay là các ca cúm lợn ở Mỹ có những triệu chứng ôn hòa. Sự nghiêm trọng của dịch bệnh tại Mexico, nơi có hơn 80 người bị nghi ngờ tử vong do cúm lợn, là đáng lo ngại.
Ngoài ra, điều bất bình thường của dịch cúm lợn hiện nay là các nạn nhân đều trẻ tuổi. Thường thì cúm theo mùa ảnh hưởng mạnh tới những người lớn tuổi.
Có vắc-xin và cách điều trị cúm lợn hay không?
Nhà chức trách Mỹ nói rằng hai loại thuốc thường được sử dụng để trị cúm là Tamiflu và Relenza dường như có hiệu quả trong việc điều trị cho những người nhiễm cúm lợn.
Vẫn chưa rõ các loại vắc-xin cúm hiện có hiệu quả như thế nào trong việc bảo vệ con người khỏi chủng cúm H1N1 mới vì chủng này khác biệt các chủng cúm khác về di truyền.
Các nhà khoa học Mỹ đang bào chế một loại vắc-xin mới song phải mất thời gian để hoàn thiện nó cũng như sản xuất đủ liều để đáp ứng nhu cầu lớn.
Minh Sơn (Theo BBC)
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
|
Minhxotxa
member
REF: 443205
04/26/2009
|
VN đứng trước nguy cơ dịch cúm xâm nhập qua giao lưu quốc tế.
Một đại dịch cúm A/H1N1 nghi xuất phát từ lợn, có độc tính cao đã được cảnh báo trên toàn thế giới sau khi nó xuất hiện từ giữa tháng 3 khiến hơn 1.300 cư dân Mexico mắc phải, làm chết 81 người, và lây nhanh sang Mỹ. Ngành Y tế Việt Nam đã có buổi họp khẩn hôm qua.
Chiều 26/4, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết, nguyên nhân khiến Sở phải họp khẩn, dù Bộ Y tế chưa thống nhất với Tổ chức Y tế Thế giới về việc phòng bệnh, là do TP HCM vốn là điểm giao lưu quốc tế lớn nhất nước, trong khi đó cúm H1N1 lại đang hoành hành tại Mexico và lấn sang Mỹ, đặc biệt tại Mỹ nơi giáp Mexico, bang SanDiego lại có nhiều người Việt Nam sinh sống.
Trước nguy cơ lây nhiễm cao, theo ông Châu, Việt Nam phải nhanh chóng lập hàng rào ngăn cúm. Trước hết, Trung tâm kiểm dịch quốc tế phải tăng cường hoạt động kiểm tra sức khỏe khách du lịch đến TP HCM bằng đường hàng không và cả đường thủy. Đặc biệt, cần phải nắm lịch trình các chuyến bay đến từ những quốc gia có liên quan đến cúm H1N1.
Máy kiểm tra thân nhiệt du khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Thanh Tùng
Cũng theo ông Châu, các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cũng phải chuẩn bị từ thuốc men, phòng bệnh cách ly, trang thiết bị chống dịch để ứng phó nếu chẳng may bệnh xuất hiện.
Phó giám đốc Sở Y tế, ông Lê Trường Giang thì cho rằng, cúm H5N1 vẫn còn tồn tại ở Việt Nam, Mexico lại xuất hiện cúm H1N1, cho nên các bệnh viện chuyên khoa và các trung tâm y tế dự phòng phải giám sát các ca bệnh có dấu hiệu sốt nặng hoặc cúm. Nếu cần thiết, phải làm xét nghiệm để định danh virus gây bệnh.
Cũng tại buổi họp khẩn, ông Hoàng Ngọc Hùng, Phó giám đốc Trung tâm kiểm dịch quốc tế cho biết, sau khi đọc được thông tin từ báo chí nước ngoài và từ website của Tổ chức Y tế Thế giới, trung tâm đã tăng cường nhân viên và tổ chức đo thân nhiệt toàn bộ hành khách đến từ Mexico hoặc từ Mỹ. Tuy nhiên theo ông Hùng, lượng khách từ các nước trên đến sân bay Tân Sơn Nhất hai ngày cuối tuần là rất ít.
Ông Hùng cũng cho biết, hiện các cảng đường thủy cũng đã được tăng cường giám sát chặt chẽ, tuy nhiên theo ông, đường biển không đáng quan ngại, bởi tàu từ Mexico hoặc từ Mỹ muốn đến Việt Nam phải mất hàng tháng trời. "Người nào mắc bệnh chắc bệnh cũng đã thể hiện rõ", ông Hùng nói.
Cúm H1N1 là bệnh có thể lây từ người sang người, thời gian ủ bệnh từ 6 đến 9 ngày và có thể gây tử vong, tiến sĩ Nguyễn Trần Chính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới cho hay.
Theo ông Chính, đến nay, thế giới vẫn chưa xác định rõ cơ chế lây bệnh. "Nhiều thông tin cho rằng bệnh lây từ lợn mắc cúm sang người, tuy nhiên trên thực tế, thế giới chưa chứng minh được điều này", ông nói.
Cách phòng bệnh, theo tiến sĩ Chính, cũng giống như H5N1, cúm H1N1 lây qua đường hô hấp cho nên cách phòng bệnh chủ yếu vẫn là vệ sinh môi trường thật tốt, đeo khẩu trang, ăn chín uống sôi.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục phó Chi cục Thú Y TP HCM cũng khẳng định, cho đến nay, vẫn chưa ai xác định bệnh lây từ lợn bị cúm sang người. "Chính vì thế, người dân không nên hoang mang cụm từ "cúm lợn" đến mức không dùng thịt lợn", ông Thảo nói.
Cũng trong chiều 26/4, Bộ Y tế làm việc với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Hà Nội để bàn biện pháp đối phó cúm H1N1.
Cục trưởng Y tế dự phòng và môi trường, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga cho biết, mặc dù hiện nay Việt Nam không còn dùng tờ khai kiểm dịch y tế, nhưng biện pháp này có thể sẽ sử dụng lại nếu tình hình bệnh phức tạp. Trước mắt, Cục đã có văn bản khẩn yêu cầu các địa phương, sân bay, cửa khẩu giám sát chặt hành khách đến từ vùng có dịch cúm H1N1.
Khó khăn trước mắt theo ông Nga là do nước ta không có tuyến bay trực tiếp đến Mexico nên thống kê khách đến Việt Nam từ Mexico còn phức tạp.
Trong cuộc hợp chiều qua, phía WHO cho biết sẽ hỗ trợ chuyên gia cho Việt Nam trong mọi tình huống. Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Nga, đề xuất WHO hỗ trợ thêm về thông tin dịch bệnh, kỹ thuật và biện pháp điều trị.
Hiện WHO chưa khuyến cáo hạn chế đi lại tới vùng dịch và từ vùng dịch đi. Đại diện WHO cũng cho biết, bệnh cúm H1N1 vốn lây từ người sang người cho nên các nước không nên khuyên người dân cấm ăn lợn.
===============================================================================
Dựa trên cơ sở căn nguyên virus gây bệnh, cúm được gọi là cúm A, cúm B, cúm C. Phổ biến nhất là type A và B; type C chỉ gây bệnh nhẹ. Type A là thủ phạm chính hay gây bệnh dịch cho người cũng như gia cầm. Type B có thể gây ra các dịch bệnh nhẹ cho người. Do sự thích nghi loài, một số phân type virus cúm A có thể bệnh cho gia cầm như H5N1, H7N7... Đặc biệt, virus cúm A H5N1 rất độc đối với loài gà. Trong một số điều kiện nhất định, các virus cúm A thường gây bệnh cho gia cầm cũng có thể gây bệnh cho người.
Các phân type virus cúm A được ghi nhận đã gây dịch hoặc đại dịch ở người trong các thời kỳ lịch sử là: H2N8 (1889-1890), H3N8 (1900-1903), H1N1 (1918-1919 và 1946-1947; 1977-1978), H2N2 (1957-1958), H3N2 (1968-1969).
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới thì hiện nay có 2 phân type virus cúm A chiếm ưu thế, lưu hành rộng rãi nhiều nơi trên thế giới, đó là H1N1 và A H3N2. Ngoài ra, từ năm 1997, đã có thông báo virus cúm gà H5N1 đã lây sang 18 người và virus H7N7 cũng từ gà lây sang 2 người.
Lợn có thể nhiễm nhiều loại virus cúm của cả người và gia cầm, có thể phát triển thành dịch bệnh. Trong đại dịch cúm H1N1 năm 1918 ở người, người ta phát hiện trước đó kháng nguyên của chủng này đã gây dịch ở lợn.
Hiện tượng pha trộn gene (thường gọi là tái tổ hợp) giữa virus cúm gia cầm và virus cúm của các loài có vú, trước hết là lợn, được coi là nguyên nhân của sự bùng phát đại dịch cúm ở người, nếu không được khống chế sớm và hiệu quả. Cơ chế tái tổ hợp còn nhiều bí ẩn.
Thiên Chương
|
|
Minhxotxa
member
REF: 443207
04/26/2009
|
Cúm lợn sẽ ảnh hưởng tới chứng khoán.
TPO - Theo đánh giá của các nhà đầu tư, diễn biến thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục chịu tác động của mảng ngân hàng, báo cáo kinh doanh của các tập đoàn, và mới bổ sung thêm yếu tố: dịch cúm lợn đang có nguy cơ bùng phát.
Thị trường chứng khoán sẽ bị tác động bởi các tin tức lan rộng của dịch cúm lợn. Ảnh: AP
Theo đánh giá của giới đầu tư, tin tức hệ thống tài chính và các báo cáo doanh thu của các tập đoàn sẽ điều chỉnh thị trường trong ngày đầu tuần, nhưng sau đó diễn biến sự lan rộng của dịch cúm lợn sẽ là yếu tố chính tác động thị trường.
Song hành cùng với lo ngại dịch cúm, thì cuộc họp hai ngày bắt đầu từ thứ tư của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) để xem xét các chính sách với hệ thống ngân hàng cũng sẽ tác động lớn tới thị trường.
Sự bình ổn của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua đã được chứng minh rằng thị trường đã tăng điểm suốt từ đầu tháng Ba, thời điểm thị trường xuống mức thấp nhất 12 năm qua. Để đảm bảo sự minh bạch thị trường, Mỹ đã đóng của 29 ngân hàng gặp khó khăn.
Tuần trước, Dow Jones đã giảm 0,7% và S&P 500 giảm 0,4% sau sáu tuần liên tiếp tăng điểm trước đó. Ngược lại, Nasdaq tăng 1,3%.
Giờ đây những thông báo mới nhất về dịch cúm lợn có thể bắt đầu ảnh hưởng tới nhà đầu tư. Virút cúm lợn xuất hiện tại Mexico với hơn 81 người chết và giờ đã lan sang hai quốc gia Bắc Mỹ là Mỹ, Canada và các khu vực khác.
Trong khi mới chỉ có các nạn nhân bị chết tại Mexico, thì dịch cúm đã lan rộng tới 5 bang ở Mỹ và có 20 trường hợp bị nhiễm, Canada có 4 trường hợp, nhiều khả năng dịch đã lan có thể đã tới châu Âu, Trung Đông và New Zealand.
Tuấn Đức
Theo AP
|
|
Minhxotxa
member
REF: 443209
04/26/2009
|
Hỏi đáp về bệnh cúm heo
* Cúm heo là gì?
- Cúm heo là một chứng bệnh hô hấp cấp truyền nhiễm xảy ra ở loài heo, do một số loại virus cúm heo thể A gây ra. Dịch cúm heo xuất hiện quanh năm, nhưng thường tăng cao vào mùa thu và mùa đông ở những vùng ôn đới. Dù các loại virus cúm heo thường là những chủng đặc trưng và chỉ ảnh hưởng đến heo, nhưng đôi khi chúng có thể gây bệnh ở người.
* Lây nhiễm sang người như thế nào?
- Người thường bị lây nhiễm cúm heo do tiếp xúc với heo mắc bệnh, tuy nhiên cũng có một số trường hợp xảy ra ở người không hề tiếp xúc với heo bệnh hoặc môi trường có heo bệnh. Lây nhiễm từ người sang người đã xảy ra ở một số trường hợp, nhưng chỉ giới hạn trong tiếp xúc gần gũi và những nhóm người khép kín.
* Những triệu chứng là gì?
- Các triệu chứng cúm heo tương tự như triệu chứng cúm thông thường. Triệu chứng ban đầu thường gặp là sốt cao, sau đó là ho, đau họng, chảy nước mũi, đôi khi người bệnh cảm thấy khó thở sau vài ngày mắc bệnh.
* Có văcxin ngừa cúm heo dành cho người không?
- Không. Các loại virus cúm thay đổi rất nhanh và sự tương thích giữa văcxin với dòng virus đang lan truyền là yếu tố quan trọng trong việc tạo khả năng miễn dịch thích hợp để ngừa cho người. Đây là lý do vì sao WHO cần lựa chọn virus để bào chế văcxin hai lần mỗi năm nhằm ngừa bệnh cúm theo mùa. Hiện nay loại văcxin ngừa cúm theo mùa theo khuyến cáo của WHO không chứa virus cúm heo.
(Theo thông tin từ www.who.int, Bộ Y tế Singapore)
|
|
Minhxotxa
member
REF: 443218
04/26/2009
|
Vaccine cúm theo mùa không ngừa được cúm lợn .
11:34' 27/04/2009 (GMT+7)
Các quan chức y tế cho biết vaccine phòng cúm theo mùa không thể bảo vệ được con người trước dịch cúm lợn đang lây lan ở Mỹ, Mexico và một số nước khác. Trong hai ngày 26 và 27-4, thêm nhiều trường hợp nghi nhiễm cúm heo được ghi nhận tại Canada, Brazil, Tây Ban Nha và New Zealand.
Một quan chức của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, các xét nghiệm về vaccine theo mùa và virus mới cho thấy không có phản ứng dương tính chéo, nghĩa là những người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm loại virus mới.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC đang tiến hành thu thập các mẫu virus cúm lợn H1N1 mới để tạo vaccine mới trong trường hợp cần thiết.
WHO và CDC đang chuẩn bị trao các mẫu virus cho các nhà sản xuất dược phẩm. Các mẫu này phải được nuôi cấy trong trứng gà được sản xuất đặc biệt. Sau đó, virus được làm sạch và chế tạo thành vaccine, một tiến trình có thể mất đến vài tháng.
Có ít nhất 20 công ty sản xuất vaccine, trong đó có Sanofi Pasteur, Australia’s CSL Ltd, GlaxoSmithKline Plc, Novartis AG, Baxter và hãng thuốc xịt mũi MedImmune.
Các chuyên gia nhất trí rằng tiến trình sản xuất vaccine hiện thời đã lỗi thời song phải vài năm nữa các công nghệ hiện đại, hiệu quả mới ra đời.
Thanh Hảo (Theo FoxNews, Reuters)
|
|
nguyenbay
member
REF: 443360
04/27/2009
|
Chào bạn minhxotxa!
Tôi rất hoan nghênh những việc làm của bạn, câu chuyện của bạn. Bạn đã làm được rất...rất nhiều điều tốt. Mong sao bạn luôn viết khoẻ, làm việc khoẻ để mọi người Việt Nam hãnh diện về bạn và có sự hiểu biết nhờ bạn.
Chúc bạn sống hạnh phúc và vạn sự như ý!
Nguyễn Bảy
|
|
Minhxotxa
member
REF: 443387
04/27/2009
|
Cúm lợn và các biện pháp phòng tránh
Trước tình hình dịch cúm ở lợn đang lan rộng tại một số nước trên thế giới khiến dư luận lo ngại. Cúm lợn bước vào giai đoạn nguy hiểm.Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua (27.4) đã nâng mức độ báo động dịch cúm lợn lên cấp độ 4, tức là chỉ cách cấp độ đại dịch toàn cầu có 2 mức. Trong khi đó, số ca tử vong vì nghi nhiễm cúm lợn ở Mexico tăng lên đến 149.
TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế gửi bài viết về bệnh cúm lợn và một số biện pháp phòng bệnh qua các tài liệu mới nhất của WHO.
Bệnh cúm ở lợn là gì?
Bệnh cúm ở lợn là một bệnh nhiễm vi rút đường hô hấp cấp tính của lợn và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh gây ra bởi một trong nhiều chủng vi rút cúm A của lợn.
Vi rút lây lan trong đàn lợn thông qua đường hô hấp (do hít phải các hạt nhỏ li ti bắn ra từ đường hô hấp của lợn nhiễm bệnh) hoặc qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp trong đàn lợn với nhau.
Đã phát hiện có tình trạng lợn nhiễm trùng không biểu hiện triệu chứng (lợn lành mang vi rút). Dịch ở lợn xảy ra quanh năm, ở những vùng ôn đới tỷ lệ mắc bệnh thường cao vào mùa Thu - Đông. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm vắcxin cúm lợn thường xuyên cho đàn lợn của nước họ.
Phân týp cúm H1N1 là phân týp phổ biến nhất trong số các loại vi rút cúm ở lợn, ngoài ra, các phân týp khác cũng lưu hành ở lợn như: H1N2, H3N1, H3N2. Lợn cũng có khả năng bị nhiễm vi rút cúm gia cầm và vi rút cúm thường ở người.
Vi rút cúm lợn H3N2 đã được cho rằng có nguồn gốc từ vi rút cúm từ người lây truyền sang. Đôi khi, lợn có thể bị nhiễm nhiều loại vi rút cúm trong cùng một thời điểm (cúm lợn, cúm người, cúm gia cầm...). Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi vật liệu di truyền giữa các loại vi rút cúm với nhau trong cơ thể lợn, và kết quả sẽ xuất hiện một loại vi rút cúm mới có chứa vật liệu di truyền từ nhiều loại vi rút khác nhau.
Mặc dù vi rút cúm lợn thường chỉ gây nhiễm đặc hiệu cho lợn, tuy nhiê,n trong một điều kiện nào đó nó có thể vượt qua hàng rào loài để gây bệnh cho người.
Vi-rút cúm lợn có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ con người?
Những vụ dịch và những trường hợp mắc bệnh cúm lợn tản phát ở người đã từng được ghi nhận trên thế giới. Triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm lợn ở người nhìn chung tương tự như bệnh cúm thường ở người với những biểu hiện lâm sàng rất rộng, từ nhiễm trùng không triệu chứng tới viêm phổi nặng và tử vong.
Do biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm lợn ở người rất giống với bệnh cúm thường và những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác, vì vậy, phần lớn các ca bệnh cúm lợn ở người là được xác định một cách tình cờ thông qua hệ thống giám sát cúm thường xuyên. Những trường hợp cúm lợn ở người nhẹ hoặc không triệu chứng thường không được ghi nhận và báo cáo, do vậy mức độ ảnh hưởng thực sự của cúm lợn đến sức khỏe con người là chưa được đánh giá đầy đủ.
Cúm lợn ở người đã từng được phát hiện ở đâu?
Từ năm 2007 đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận các ca cúm lợn ở người tại Mỹ và Tây Ban Nha.
Bệnh cúm lợn được lây truyền sang người như thế nào?
Thông thường, người bị nhiễm vi rút là do tiếp xúc với lợn bị bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp không phát hiện được tiền sử phơi nhiễm giữa người bị bệnh với lợn hoặc với môi trường liên quan đến lợn. Lây truyền người - người trong bệnh cúm lợn ở người cũng đã xảy ra ở một số trường hợp trong quá khứ, tuy nhiên thường chỉ hạn chế ở những người tiếp xúc gần gũi với nhau.
Có an toàn khi ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn không?
Câu trả lời là có, vì nếu thịt lợn và các sản phẩm từ lợn được chế biến và đun nấu đúng cách thì cúm lợn không có khả năng lây truyền sang người do vi rút cúm lợn bị giết chết ở 70 độ C.
Dịch cúm ở lợn đã xảy ra ở những nước nào?
Do bệnh cúm lợn là bệnh không bắt buộc phải báo cáo cho Tổ chức Thú y Quốc tế, chính vì vậy phân bố quốc tế của bệnh cúm lợn vẫn chưa được xác định đầy đủ. Bệnh cúm ở lợn được cho là lưu hành ở Mỹ, ngoài ra cũng ghi nhận tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu (bao gồm Vương Quốc Anh, Thuỵ Điển, Italia), Châu Phi (Kenya) và một vài vùng khác ở Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản).
Liệu cúm lợn có khả năng gây đại dịch ở người không?
Nhiều khả năng hầu hết mọi người là không có miễn dịch với vi rút cúm lợn, đặc biệt là những người không thường xuyên tiếp xúc với lợn. Nếu một vi rút cúm lợn biến đổi hoặc tái tổ hợp với các loại vi rút cúm khác tạo ra một chủng vi rút cúm mới có khả năng lây truyền từ người sang người thì nó có thể gây đại dịch.
Hậu quả của đại dịch gây ra bởi vi rút cúm này là rất khó dự đoán, nó tuỳ thuộc vào độc lực của vi rút, tình trạng miễn dịch của cộng đồng, khả năng bảo vệ chéo của kháng thể vi rút cúm thường có sẵn trong cơ thể người, cũng như yếu tố cơ địa của từng cá thể. Vi rút cúm lợn có thể tái tổ hợp với vi rút cúm thường ở người để biến đổi thành một loại vi rút có khả năng gây đại dịch.
Vắc-xin cúm người có khả năng bảo vệ chống lại vi rút cúm lợn không?
Do các loại vi rút cúm thường biến đổi rất nhanh, do đó, việc sử dụng vắc xin phù hợp với các chủng vi rút đang lưu hành là rất quan trọng để bảo vệ người được tiêm vắc xin. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới phải phân tích và lựa chọn chủng vi rút để sản xuất vắc xin 2 lần một năm, một lần cho mùa đông của Bắc bán cầu và một lần cho khu vực Nam bán cầu.
Vắc xin cúm mùa hiện tại được sản xuất dựa trên các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới không bao gồm vi rút cúm lợn, chính vì vậy không biết vắc xin cúm mùa hiện tại có khả năng tạo miễn dịch chéo chống lại vi rút cúm lợn đang lưu hành tại Mỹ và Mexico hay không. Tổ chức Y tế thế giới đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để đánh giá và chỉ có thể đưa ra được các khuyến nghị về vấn đề này trong thời gian tới.
Thuốc nào để điều trị bệnh cúm lợn ở người?
Các thuốc kháng vi rút hiện tại để điều trị bệnh cúm thường được cho là cũng có hiệu quả trong phòng và điều trị bệnh cúm lợn ở người. Có 2 loại thuốc kháng vi rút thường được sử dụng: 1) adamantanes (amantadine và remantadine); 2) Thuốc ức chế men neuraminidase (oseltamivir và zanamivir).
Hầu hết những ca cúm lợn ở người được báo cáo trước đây đều khỏi hoàn toàn mà không cần điều trị gì. Qua theo dõi thấy rằng một vài chủng vi rút cúm đã kháng với thuốc kháng vi rút, điều này làm hạn chế hiệu quả trong việc phòng và điều trị bệnh cúm.
Chủng vi rút cúm hiện tại phân lập được từ những bệnh nhân cúm lợn ở người tại Mỹ được xác định vẫn còn nhạy cảm với oselatmivir and zanamivir nhưng đã kháng với amantadine và remantadine.
Tuy nhiên, những thông tin hiện tại là chưa đủ để có thể đưa ra được khuyến nghị về việc sử dụng thuốc kháng vi rút trong phòng và điều trị bệnh cúm lợn ở người trong giai đoạn hiện nay. Các thầy thuốc lâm sàng phải tự đưa ra quyết định dựa vào các đánh giá về triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học, cũng như phải cân nhắc về hiệu quả giữa cái lợi và cái hại của việc dùng thuốc kháng vi rút cho bệnh nhân.
Đối với vụ dịch cúm lợn ở người đang xảy ra tại Mỹ và Mexico, nhà chức trách của những nước này đang khuyến nghị việc sử dụng oseltamivir hay zanamivir trong phòng và điều trị bệnh (các nước này dựa vào phân tích tính nhạy cảm của vi rút đối với các thuốc trên tại thời điểm hiện tại).
Bạn nên làm gì nếu bạn thường xuyên phải tiếp xúc với lợn?
Phần lớn người bị mắc bệnh là do tiếp xúc gần gũi với lợn bị bệnh. Chính vì vậy cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người với lợn ốm. Tuyệt đối không giết mổ, chế biến hay tiêu thụ lợn ốm, chết. Cần báo cho cơ quan thú y ngay tình trạng lợn ốm, chết để xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý tiêu huỷ lợn ốm/chết đúng quy định.
Vấn đề vệ sinh và phòng hộ cá nhân là rất quan trọng đối với những người có tiếp xúc với lợn, đặc biệt trong quá trình giết mổ và chế biến sau giết mổ (đeo khẩu trang, kính, mũ, găng tay, đi ủng và mặc quần áo bảo hộ).
Cúm lợn không có khả năng lây truyền sang người qua đường ăn uống nếu thịt lợn và các sản phẩm từ lợn được chế biến và nấu đúng cách vì vi rút cúm lợn sẽ bị giết chết ở 700C.
Phòng lây nhiễm bệnh cúm lợn từ người sang người như thế nào?
1. Tránh những tiếp xúc với người có triệu chứng như mệt mỏi, sốt và ho. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính…
2. Rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch thường xuyên.
3. Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi.
4. Sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi, họng, mắt hàng ngày như súc miệng bằng nước sát khuẩn (nước muối loãng, dung dịch TB, Listerin…) hoặc dung dịch nước tỏi. Rỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, hoặc các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường là cần thiết và hiệu quả trong phòng bệnh.
5. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực nghi có dịch.
6. Không cho trẻ em dùng chung đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng trong khu vực nghi có dịch.
7. Giữ ấm không để bị nhiễm lạnh (mặc đủ ấm, tránh nước mưa, tránh bị ướt…).
8. Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể.
Nếu trong nhà có một người nghi mắc bệnh cần thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ của cơ quan y tế, cần:
1. Cách ly người bị bệnh tai một khu vực nhất định trong nhà. Nếu phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang bịt kín mồm và mũi, giữ khoảng cách tối thiểu hơn 1 mét.
2. Người bệnh cần đeo khẩu trang bịt kín mồm và mũi.
3. Rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân.
4. Tăng cường thông khí trong khu vực nhà có bệnh nhân bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ.
5. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường.
Bạn cần làm gì khi nghi bị mắc bệnh cúm lợn?
Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng người mệt mỏi, sốt cao, ho và/hoặc đau họng, bạn cần:
1. Thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
2. Ở nhà, nghỉ làm, nghỉ học, tránh tiếp xúc chỗ đông người.
3. Nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
4. Đeo khẩu trang, bịt kín mồm và mũi thường xuyên.
5. Che kín mồm, mũi trước khi ho và hắt hơi bằng giấy thấm mềm, sau đó huỷ bỏ giấy đúng cách.
6. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên, đặc biệt sau khi ho và hắt hơi.
7. Thông báo cho gia đình và bạn bè biết về tình trạng sức khoẻ của mình, yêu cầu hạn chế người đến thăm. Nếu cần phải ra ngoài để mua bán cho sinh hoạt hàng ngày, nên đề nghị người thân giúp đỡ, tránh tiếp xúc với bên ngoài.
TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế
Thẻ hồng là nơi có ca nghi nhiễm, thẻ tím khẳng định có ca nhiễm H1N1. Thẻ không có chấm đen biểu thị người tử vong.
Đến nay đã có 103 người chết và 1.600 ca nhiễm.
Nguồn: NASA, Google Map.
|
1
|
Kí hiệu:
:
trang cá nhân :chủ
để đã đăng
:
gởi thư
:
thay đổi bài
:ý kiến |
|
|
|
|